Nghĩ về nền công nghiệp không khói!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cũng là dòng sông, ngọn núi; cũng là chiếc ghe tam bản, là cái thúng chèo… nhưng mỗi nơi mỗi khác, mỗi đời mỗi khác. Và những người làm du lịch làm sao cho phải cho du khách thấy được sự khác biệt này mới tạo nên sự hấp dẫn. Người ta bỏ tiền, bỏ công đến những điểm dừng chân ấy, là muốn tìm sự khác biệt, sự hấp dẫn riêng có ấy

Nghĩ về nền công nghiệp không khói! - 1

Nhìn lại 39 năm đi qua, lớp tuổi khoảng 55 trở lên có khá nhiều cảm xúc. Đất nước đổi thay. Đời người thay đổi. Lứa tuổi chứng kiến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), bây giờ có còn thì cũng đã tóc bạc răng long, mắt mờ chân yếu. Đất nước luôn chuyển mình những mong “sánh vai cùng với cường quốc năm châu”… Hãy loại bỏ những “lợi ích nhóm”, những “bộ phận không nhỏ”, những “bầy sâu”, những oan trái, những muộn phiền ra khỏi đầu cho nhẹ nhõm để nói một câu công bằng rằng: Tuy chưa bằng chị bằng em, song cuộc sống của đại bộ phận nhân dân ở hai miền Nam Bắc có khá hơn nhiều so với trước.

Ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ cất cánh, nếu…

39 năm thống nhất đất nước, 28 năm đổi mới, chúng ta có nhiều bạn bè hơn. Hằng năm, hàng triệu khách du lịch đủ quốc tịch, đủ màu da đến với Việt Nam đã nói lên điều đó. Nhưng thật lòng mà nói, chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của Việt Nam. Về cơ bản, chúng ta tự “ăn vào đuôi” của mình là chính, chứ chưa biến du lịch thành nền công nghiệp không khói. Bên cạnh đó, chúng ta chưa quản lý được nạn “chặt, chém”, “chèo kéo” du khách góp phần làm xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Không phải vô cớ mà thượng tuần tháng 2/2014 vừa qua, UBND TPHCM vừa có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thẩm định đề án thành lập Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh trên cơ sở tách chức năng quản lý Nhà nước về du lịch từ Sở VH-TT&DL TPHCM để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Các cấp lãnh đạo UBND TPHCM cho rằng, để tiếp tục đạt được mục tiêu du lịch tphcm là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng trưởng bền vững, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, đóng góp hiệu quả cho hoạt động du lịch cả nước và phát triển kinh tế - xã hội của TP, việc thành lập một cơ quan chuyên môn giúp UBND TPHCM thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về du lịch là rất cần thiết. Cũng theo UBND TPHCM, sau 5 năm sáp nhập Sở Du lịch TP trước đây (từ năm 2008) để thành lập Sở VH-TT&DL TP hiện nay, đã phát sinh những bất cập trong công tác quản lý du lịch. Theo đó, quy mô hoạt động du lịch TP mở rộng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhưng cơ cấu bộ máy tinh gọn nên không thể san sẻ công việc, họp, chỉ đạo triển khai công tác của ngành, nhất là việc kiểm tra, hậu kiểm, theo dõi, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, vận chuyển đến các cơ sở lưu trú đã tăng gần ba lần so với năm 2006.

Tôi tin, nếu đề án này được phê duyệt, thì Ngành Du lịch TPHCM sẽ cất cánh, song cũng còn lắm việc phải tính phải làm để biến ước mơ thành hiện thực, chứ không phải chỉ có riêng con dấu, có thêm con người, còn hoạt động du lịch thì… trước sao sau vậy!

Nghĩ về nền công nghiệp không khói! - 2

Tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm du lịch

Tiềm năng du lịch TPHCM khá phong phú, chưa kể các tỉnh lân cận mà du khách quốc tế và du khách nội địa khi đặt chân đến TPHCM đều muốn biết, nhưng chúng ta đã khai thác hết chưa, tốt chưa? Đó là điều đáng quan tâm. Nếu chúng ta bằng lòng với những gì đã làm được, thì khó “đóng góp hiệu quả cho hoạt động du lịch cả nước và phát triển kinh tế - xã hội của TP” như mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Chỉ riêng về du lịch văn hóa tâm linh, TPHCM có rất nhiều “điểm đến” mà du khách trong và ngoài nước muốn biết. Ngành du lịch TPHCM cần phải tập trung chất xám và phải có đầu tư cụ thể, quảng bá rộng rãi có chiều sâu. Có trồng cây mới có hái quả, và đặc biệt đôi bên cùng có lợi, chứ không chỉ biết mỗi việc tận thu.

Du khách đến mỗi điểm dừng chân là họ muốn biết về phần nào lịch sử văn hóa nơi ấy, chứ không phải chỉ đến chụp ảnh, quay phim rồi về. Cũng là chùa chiền, đền miếu, nhà thờ… Cũng là những tượng Thánh, Thần, Chúa, Phật… nhưng mỗi nơi mỗi khác qua những thăng trầm lịch sử, qua những truyền thuyết, những huyền thoại hấp dẫn để níu chân du khách và gợi cho du khách những tò mò thấy cần phải đến lần sau, lần sau nữa nhằm giải mã phần nào niềm tin, cuộc sống của cư dân nơi vùng đất ấy, góp phần tạo nên sức mạnh của cả cộng đồng, của cả dân tộc. Theo tôi nghĩ, mọi dạng truyền thuyết, huyền thoại tốt đẹp đều là thành quả sáng tạo xây dựng từ những hiện tượng có thực, mang tính nhân đạo và mơ ước tốt lành của nhân dân, chứ không phải là những chuyện tào lao, mê tín.

Cũng là dòng sông, ngọn núi; cũng là chiếc ghe tam bản, là cái thúng chèo… nhưng mỗi nơi mỗi khác, mỗi đời mỗi khác. Và những người làm du lịch làm sao cho phải cho du khách thấy được sự khác biệt này mới tạo nên sự hấp dẫn. Người ta bỏ tiền, bỏ công đến những điểm dừng chân ấy là muốn tìm sự khác biệt, sự hấp dẫn riêng có ấy. Người xưa nói không luận núi có cao hay sông có sâu; “hễ núi có Tiên thì thiêng, sông có Rồng thì linh”. Ý này cũng rất đáng đề Ngành Du lịch suy gẫm vậy./

V.G

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo