NGÀY TẾT, NGHĨ VỀ NHÀ THỜ TỘC

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

NGÀY TẾT, NGHĨ VỀ NHÀ THỜ TỘC - 1     

Nhà thờ chi tộc Nguyễn Văn, làng Thanh Vân (Đại Lộc, Quảng Nam)




Thờ cúng tổ tiên không phải là tôn giáo, bởi tôn giáo quy tụ nhiều tín đồ, không cùng huyết thống, không cùng màu da nhưng cùng tin tưởng, sùng bái một đấng tối cao… Và tin hay không tin là quyền của mỗi người. Còn Ông Bà, Cha Mẹ thì không thể nói tin hay không tin, có hay không có!









Theo tập tục cổ truyền, ngày Tết là ngày đoàn tụ gia đình, vì vậy khoảng chừng 20 tháng chạp thì tàu, xe từ các thành phố lớn về các tỉnh càng lúc càng khó; có tiền chưa chắc đã có chỗ ngồi. Nhiều người đã bật khóc ngon lành khi chuông chùa, chuông nhà thờ ngân vang cùng lúc pháo hoa bùng sáng cả bầu trời báo hiệu giờ phút giao thừa đã tới…

 

       NGÀY TẾT, NGHĨ VỀ NHÀ THỜ TỘC - 2

Nhà thờ tộc Nguyễn, làng Kỳ Lam (Điện Bàn, Quảng Nam)

Tôn giáo” của người Việt

Cây có gốc mới trổ cành xanh ngọn

Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu

Người ta nguồn gốc ở đâu?

Ông Bà, Cha Mẹ rồi sau mới mình.

Hiểu được đạo lý ấy, nên nhân dân ta coi việc phụng dưỡng Ông Bà, Cha Mẹ là chuyện đương nhiên. Khi Ông Bà, Cha Mẹ khuất núi thì con cháu có trách nhiệm thờ cúng. Và thờ cúng Tổ tiên như một “tôn giáo” của người Việt, có người gọi là “Việt giáo”. Thực ra, thờ cúng tổ tiên không phải là tôn giáo, bởi tôn giáo quy tụ nhiều tín đồ, không cùng huyết thống, không cùng màu da nhưng cùng tin tưởng, sùng bái một đấng tối cao… Và tin hay không tin là quyền của mỗi người. Còn Ông Bà, Cha Mẹ thì không thể nói tin hay không tin, có hay không có. Ngàn đời qua, mọi người đều nghĩ thờ Ông Bà, Cha Mẹ lúc chết như lúc còn sống. Khi qua truyền giáo ở Việt Nam, cụ thể kỳ Đại hội tháng 10-1862, tại Hội An “Những Giáo sĩ dòng Tên, nhận thấy rằng thờ cúng tổ tiên không phải là mê tín dị đoan”, bởi đây là việc tỏ lòng kính mến đối với người đã khuất cần phải quý trọng. Và “kể từ năm 1968, Tòa Thánh Vatican cho phép giáo dân Việt Nam ngoài bàn thờ Chúa còn thiết lập bàn thờ Tổ tiên như mọi gia đình Việt Nam khác”. Điều này cho thấy, người Việt Nam dù đi đâu, dù theo bất cứ tôn giáo nào vẫn không bứt khỏi gốc.

Thờ cúng Tổ tiên

Mới rồi, tôi có dịp làm “Hướng dẫn viên du lịch” bất đắc dĩ cho Nhạc sĩ Vũ Hoàng đi từ Đà Nẵng đến Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc… Trên đường đi, Nhạc sĩ Vũ Hoàng lấy làm lạ vì ở đâu đâu cũng thấy có Nhà thờ Tộc. Vũ Hoàng cho rằng không có địa phương nào có mật độ Nhà thờ Tộc nhiều như ở quê tôi. Rút tỉa từ thực tế bản thân, dòng tộc, tôi kể cho Vũ Hoàng biết khoảng vài chục năm trở lại đây, cuộc sống của người dân quê tôi đã ổn định và khá lên. Các dòng họ vận động con cháu kẻ ít người nhiều, xây dựng lại, xây dựng mới Nhà thờ Tộc. Qua sách vở, tôi khẳng định không phải dân tộc nào, kể cả những dân tộc đồng văn với ta cũng có Nhà thờ Tộc.


NGÀY TẾT, NGHĨ VỀ NHÀ THỜ TỘC - 3

    

Nhà thờ tộc Phan, làng Bảo An (Điện Bàn, Quảng Nam)


Dù lớn hay nhỏ, đẹp hay xấu, về cơ bản, các Nhà thờ Tộc được xây đằng trước là nhà đại bái để tộc (họ) có chỗ làm lễ trong những ngày tế Tổ, ngày Tết… Tế lễ ở Nhà thờ Tộc cũng giống như nghi thức tế thần cũng nội tán ngoại tán, cũng văn tế với ba tuần rượu, áo xiêm, hia, mũ trọng thể (nếu có điều kiện). Gian giữa, trên bàn thờ nơi trong cùng thường thờ Bài vị, ghi tên húy, tên thụy và phẩm tước (nếu có) của Thỉ tổ cùng ngày sinh, ngày mất. Bài vị còn được gọi là Thần chủ. Thần chủ được đặt trong một cỗ khám (bằng gỗ giống như cái tủ nhỏ không có cánh cửa), hay một cỗ ỷ (ngai thờ), cỗ ngai (ngai thờ, làm bằng gỗ có hình giống ngai vua – ghế có lưng và tay vịn để vua ngồi trong buổi chầu – dùng để đặt bài vị). Phía trước là sập tôn (giường thờ) và hương án với những đồ thờ. Thần chủ trong nhà thờ chính cũng như nhà thờ chi là “Bách thế bách dao chi chủ”, nghĩa là mang tính vĩnh cửu, bất di bất dịch. Bài vị thường làm bằng gỗ bạch đàn. Gỗ này có thịt trắng nên viết chữ lên trông rõ hơn và cũng có mùi thơm, thích hợp với việc thờ cúng. Việc xây dựng Nhà thờ Tộc lớn hay nhỏ, kiến trúc nguy nga tráng lệ hay đơn giản cũng tùy theo sự đóng góp của con cháu, chứ không ai buộc phải xây thế này mới là nhà thờ, làm như thế kia không phải… trên bàn thờ hai gian hai bên đặt bài vị các vị Tổ phân chi.

Tôi tiếp tục nói đến Nhà thờ Chi, đến Hoành phi, Câu đối… Và trên đường trở về, tôi phải dừng lại nhiều lần để Vũ Hoàng chụp ảnh những Nhà thờ Tộc. Tết này, những Nhà thờ Tộc ấy ắt sẽ nghi ngút khói nhang và con cháu khắp nơi tụ về với những lời chúc tụng, tay bắt mặt mừng cùng với những lời khấn nguyện cầu xin Tổ tiên, Ông Bà phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, đất nước yên bình để họ làm ăn có đồng ra đồng vào cải thiện cuộc sống…

Giờ phút Giao thừa là giờ phút mở đầu cho năm mới với nhiều hy vọng mới. Lúc đó, người người, nhà nhà đều cùng thức đón xuân sang. Các dòng Tộc có Nhà thờ Tộc, thì con cháu tề tựu về chiêm bái Tổ tiên, cầu mong năm mới tốt lành, may mắn hơn năm cũ... Nếu không có Nhà thờ Tộc, thì nhà nào cúng lễ Ông Bà, Cha Mẹ nhà nấy. Bao đời qua, trong mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ Ông Bà, Cha Mẹ (nếu cha mẹ đã qua đời). Và bàn thờ Ông Bà, Cha Mẹ được thiết lập ở vị trí trang trọng nhất trong nhà.

NGÀY TẾT, NGHĨ VỀ NHÀ THỜ TỘC - 4

 

Nhà thờ tộc Phan, làng Phiếm Ái (Đại Lộc, Quảng Nam)

 

V.G

 

 

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT