NGÀNH DU LỊCH BÀ RỊA-VŨNG TÀU: ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

NGÀNH DU LỊCH BÀ RỊA-VŨNG TÀU: ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - 1Tính đến tháng 10-2010, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 162 khách sạn với 6.680 phòng, thu hút khoảng 10.000 lao động. Ngoài ra, toàn tỉnh có 174 dự án đầu tư du lịch đã được thỏa thuận địa điểm, trong đó nhiều dự án đã triển khai xây dựng. Sắp tới, khi hàng chục dự án đi vào hoạt động sẽ cần rất nhiều lao động..

Ảnh: Trong những năm tới, Ngành Du lịch BR-VT cần thêm khoảng 10.000 lao động

 

NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH CÒN YẾU VÀ THIẾU

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, thực tế nguồn nhân lực của ngành đang yếu và thiếu người có chuyên môn nghiệp vụ. Ngoại trừ một số nhân viên ở các khách sạn, khu du lịch từ 3-4 sao trở lên được đào tạo bài bản, còn lại đa số có trình độ tay nghề thấp, thiếu kinh nghiệm và chưa được đào tạo bài bản. Hiện có khoảng 50% trong số lao động trên cần được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc. Trên thực tế thời gian qua, một số dự án du lịch đã đi vào hoạt động hoặc hoạt động một phần như Bến Thành-Long Hải, Thùy Dương, Hồng Hà, Hồ Tràm Beach Resort & spa, Anoasis Beach Resort… đã từng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề.

NGÀNH DU LỊCH BÀ RỊA-VŨNG TÀU: ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - 2

Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do các doanh nghiệp du lịch, khách sạn chưa quan tâm đến vấn đề đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực. Thậm chí, tình trạng doanh nghiệp du lịch, khách sạn đi vào hoạt động sau “săn” nhân lực – nhất là trưởng các bộ phận - từ khách sạn khác bằng hình thức trả lương cao, hứa hẹn nhiều chế độ hấp dẫn với người lao động diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, “cuộc chiến” giành nguồn nhân lực du lịch giữa các doanh nghiệp mới ra đời với các doanh nghiệp cũ bằng thu nhập hấp dẫn đang diễn ra khá gay gắt, căng thẳng. Một cán bộ Sở VHTTDL tỉnh BR-VT cho biết khi đến làm việc với một số khách sạn mới ra đời đã gặp nhiều “gương mặt quen thuộc”. Tìm hiểu thêm, vị cán bộ này được biết là đa số nhân viên ở đây đã từng làm việc ở những khách sạn khác và chuyển về khách sạn này vì lương cao hơn. “Cách làm này giúp doanh nghiệp đi sau đỡ tốn tiền và công sức đào tạo, lại có thể triệt hạ đối thủ nhưng thiếu tính bền vững”- vị cán bộ trên lo ngại.

NGÀNH DU LỊCH BÀ RỊA-VŨNG TÀU: ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - 3

 

 

DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ NƯỚC PHẢI CÙNG VÀO CUỘC

Cũng theo vị cán bộ trên, đến tháng 10-2010, toàn tỉnh có 174 dự án đầu tư du lịch được thỏa thuận địa điểm, với tổng diện tích 6.565,34 ha; tổng vốn đăng ký 40.846,53 tỷ đồng và 11,956 tỷ USD. Trong số này có 11 dự án đã đi vào hoạt động một phần và đang tiếp tục xây dựng, 39 dự án đang trong quá trình xây dựng, số còn lại đang làm thủ tục đất đai. Dự báo trong vài năm tới sẽ có thêm vài chục dự án du lịch đi vào hoạt động, sẽ cần thêm khoảng 10.000 lao động đã qua đào tạo, trong đó phải có ít nhất hơn 3.000 lao động trình độ Đại học, Cao đẳng; hơn 4.000 lao động trình độ trung cấp. Số còn lại tối thiểu phải qua đào tạo sơ cấp (bảo vệ, nhân viên chăm sóc cây cảnh, vận hành nồi hơi, điện, nước, cấp cứu thủy nạn)…

NGÀNH DU LỊCH BÀ RỊA-VŨNG TÀU: ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - 4

Trên địa bàn tỉnh có Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Vũng Tàu là cơ sở đào tạo đội ngũ nghiệp vụ kỹ thuật cho Ngành Du lịch. Tuy nhiên, trường này đào tạo nhân lực du lịch cho cả các tỉnh phía Nam nên lượng sinh viên theo học rất đông, trong khi cơ sở vật chất còn chật hẹp, trang thiết bị dạy học thiếu thốn nên sinh viên ít có điều kiện được thực hành. Khi ra trường, được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp du lịch thì hầu hết phải được đào tạo lại và phải có quá trình trải nghiệm với công việc khoảng 2-3 năm mới đủ “tự tin” hành nghề. Các doanh nghiệp không những phải tốn một khoản chi phí cho việc đào tạo lại, mà còn gặp rủi ro vì trong nhiều trường hợp nhân viên sau khi đã có chút kinh nghiệm làm việc lại tìm đến doanh nghiệp khác có thu nhập cao hơn.

Những năm qua, Sở Du lịch (nay là Sở VHTTDL) đã tổ chức gần 80 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 6.200 lượt lao động trong ngành du lịch. Tuy nhiên, việc đào tạo này phần lớn mới ở mức bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức văn minh giao tiếp, đào tạo ngắn hạn, thi nâng bậc... Đây là việc cần thiết nhưng để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án sắp đi vào hoạt động như đã nói trên thì UBND tỉnh, Ngành Du lịch, các địa phương và các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược đào tạo dài hơi, và phải đặt công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch lên hàng đầu. Mặt khác, Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Vũng Tàu cũng cần có sự thay đổi trong phương thức đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, để khi ra trường, học viên có thể đáp ứng được ngay các yêu cầu của công việc.

 


Bài, ảnh: TV 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT