MẶT TRĂNG: ĐIỂM DU LỊCH & KHU NGHỈ DƯỠNG TƯƠNG LAI

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

MẶT TRĂNG: ĐIỂM DU LỊCH & KHU NGHỈ DƯỠNG TƯƠNG LAI - 1
Ảnh: Bề mặt Mặt Trăng

Tám ngày sau khi được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3C, phi thuyền không người lái Hằng Nga 2 của Trung Quốc (TQ) đã tới quỹ đạo Mặt trăng. Con tầu bay ở độ cao 100 km trên Mặt trăng để thực hiện các nghiên cứu khoa học và thử nghiệm các thiết bị phục vụ việc đổ bộ lên Mặt trăng. Đây là lần lần thứ hai TQ phóng phi thuyền không người lái lên Mặt trăng, song là lần đầu tiên con tàu bay thẳng lên vệ tinh của Trái đất. Đến cuối tháng 10, khi Hằng Nga 2 chỉ còn cách bề mặt của Mặt trăng khoảng 15 km, con tầu sẽ chụp ảnh độ nét cao những vị trí thích hợp cho việc đổ bộ lên mặt trăng sau này

“Thành phố Mặt trăng” phục vụ du khách

Năm 2008, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố đã lựa chọn một vùng lòng chảo gần cực Nam Mặt trăng làm nơi định cư lâu dài đầu tiên cho con người ở một nơi xa Trái đất từ năm 2024. “Thành phố Mặt trăng” theo kế hoạch ban đầu có diện tích rất nhỏ, với dân số là các nhà khoa học giống như những căn cứ khoa học ở Nam Cực. Sau khoảng 2 thế hệ, NASA hy vọng sẽ có những tiện nghi dành riêng cho du khách, có các nhà thờ và những con đường nhỏ được đặt theo tên Neil Armstrong hay Stephen Hawking...Vấn đề còn lại ai là người chủ sở hữu Mặt trăng? Không đợi các luật sư hay các nhà khoa học đồng ý, NASA tuyên bố sẽ chỉ định các đơn vị để thiết kế thành phố Mặt trăng này. Matt Leonard, Giám đốc dự án NASA nói họ muốn xây dựng những tiền đồn để hoạt động lâu dài. “Chúng tôi có thể làm những con phố, sẽ là nơi sống thật tốt cho cư dân ở đây, gần đó là những chiếc xe tự hành”.

MẶT TRĂNG: ĐIỂM DU LỊCH & KHU NGHỈ DƯỠNG TƯƠNG LAI - 2

Ảnh: Giấc mơ Mặt Trăng

Theo NASA, đây sẽ là thành phố xanh, mọi thứ đều có thể tái chế để tạo một môi trường ổn định lâu dài đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp. Khó khăn lớn nhất là làm sao tồn tại trên Mặt trăng và làm sao mang lên hành tinh này những thiết bị máy móc phục vụ cho công cuộc xây dựng. Do đó các công trình xây dựng chỉ có thể bắt đầu vào thế kỷ 21. Để chuẩn bị, các kỹ sư NASA đã thiết kế những thiết bị xây dựng như xe xúc di chuyển trên Mặt trăng; đồng thời tập trung nghiên cứu năng lượng từ ánh sáng mặt trời hoặc các lò phản ứng hạt nhân loại nhỏ phục vụ cho các thiết bị và máy móc xây dựng. Một trong những mục đích chính của dự án Thành phố Mặt trăng là nơi xuất phát các cuộc khám phá các hành tinh gần đó và chính phục sao Hỏa.

Đất Mặt trăng, ai mua tôi bán!

Việc TQ tham gia nghiên cứu Mặt trăng đã làm dấy lên mối quan ngại về việc các cường quốc vũ trụ tranh giành đất đai trên Mặt trăng giống như tại Bắc cực, để xí phần trước các kho tài nguyên quí giá. Nhưng không chỉ có các cường quốc không gian mới quan tâm đến đất đai Mặt trăng mà những con người có óc nhìn xa hoặc chút khôi hài cũng biết cách kinh doanh đất đai trên hành tinh này, dù chưa bao giờ hoặc sẽ không bao giờ họ được đặt chân đến đó. Còn nhớ năm 2008, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea, ông Abramovich đã mua một mảnh đất rộng hơn 49 ha trên bề mặt chị Hẳng. Theo trang web Leggo, đây là món quà ông Abramovich dành cho cô bạn gái người mẫu Daria Zhukova để bù lại việc tạm hoãn đám cưới do khủng hoảng kinh tế thế giới. Mảnh đất thuộc sở hữu của Chủ tịch Chelsea có thể nhìn thấy thông qua kính thiên văn từ mặt đất.

MẶT TRĂNG: ĐIỂM DU LỊCH & KHU NGHỈ DƯỠNG TƯƠNG LAI - 3

Ảnh: Dennis Hope và Lunar Embassy

Sáng kiến mang vệ tinh duy nhất của Trái đất ra kinh doanh là của doanh nhân Mỹ Dennis Hope, một cư dân Bang Nevada khi ông đang vướng vào cảnh nợ nần. Tìm trong đống tài liệu lưu trữ, Hope phát hiện được Đạo luật năm 1862 của bang California quy định bất cứ ai tìm thấy mảnh đất vô chủ nào đều có quyền đăng ký sở hữu nó. Hope nghĩ đến Mặt trăng và xúc tiến ngay những thủ tục pháp lý cần thiết để chính thức đăng ký quyền sở hữu của mình đối với Mặt trăng tại Tòa án Bang San Francisco. Năm 1980, Hope đã có trong tay giấy chứng nhận hành nghề buôn bất động sản ngoài Trái đất. Ngày 22.11 năm đó, ông gửi thông báo đến Liên Hiệp Quốc và các nhà lãnh đạo Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp cùng nhiều nước khác để khẳng định chủ quyền của mình không chỉ đối với Mặt trăng và các hành tinh khác trong Thái Dương hệ (trừ Trái đất). Hope tin rằng một lỗ hổng trong Hiệp định Không gian Liên Hiệp Quốc năm 1967 đã giúp cho việc buôn bán của ông trở thành hợp pháp. Mặc dù không nước nào hoặc chính phủ nào có quyền hạn với đất đai ngoài không gian, nhưng hiệp định không nhắc đến quyền sở hữu của cá nhân hay công ty.

Hope cho mở ở Mỹ Công ty Lunar Embassy (Sứ quán Mặt Trăng), tự xưng là “Đại sứ của Mặt Trăng” và bắt đầu tổ chức bán buôn và bán lẻ bề mặt chị Hằng. Khách hàng sẽ nhận giấy chứng nhận mua đất (gồm cả quyền sử dụng tài nguyên chất khoáng sâu đến 3 km dưới mặt đất). Bề mặt Mặt Trăng được Hope chia thành gần 5 triệu mảnh, mỗi mảnh có diện tích 1 acre. Hoạt động của Hope thoạt đầu được xem là trò “ấm ớ” của những kẻ viễn mơ, kinh doanh những thứ không sờ thấy được. Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ đầu thập niên 90, khi thế giới bước vào kỷ nguyên Internet. Từ đầu năm 2007, giá đất trên Mặt trăng đã tăng lên đáng kể, khoảng hơn 9 USD/ha. Theo Reuter, phần lớn đất Mặt trăng thuộc quyền sở hữu của những cư dân châu Âu mà đầu cơ mạnh nhất là người Đức, Thụy Điển, Anh và Ba Lan. Có hơn 3.000 người thuộc Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) có đất trên Mặt trăng. Hoạt động kinh doanh của Hope ngày một phát đạt.

Giỡn mặt cả các chính phủ

Lunar Embassy có văn phòng đại diện ở Mỹ, Đức, Anh, Ireland, Úc, New Zealand và Nhật Bản. Năm 2005, công ty mở thêm một văn phòng tại Bắc Kinh, TQ và rao bán đất trên Mặt trăng với giá 37 USD/ha. Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Hope khẳng định: “Tôi có 3,5 triệu khách hàng”. Năm 2007 một Toà án Bắc Kinh lại khẳng định: “Không ai có quyền tuyên bố mình là chủ sở hữu những vùng đất trên mặt trăng. Qui định này đã được Chính phủ TQ ký năm 1983 tại thủ đô Bắc Kinh với sự chứng thực của Hiệp hội Không gian Quốc tế”. Chính phủ TQ thề sẽ xử lý những chủ đầu tư buôn bán loại bất động sản này. “Mặt trăng là một hành tinh tự do” và không có người sở hữu đất trên mặt trăng cũng như không được phép tuyên bố sở hữu nó. Hành động buôn bán đất trên Mặt trăng là một hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và nếu vi phạm sẽ phải chịu hình phạt theo luật” - thông cáo nêu rõ. Văn phòng Thanh tra thương mại tại Thủ đô Bắc Kinh ước tính rằng nếu việc bán đất trên Mặt trăng hoạt động tự do cho những người giàu thực hiện “một giấc mộng đẹp” ở một vùng đất xa xôi ngoài Trái đất sẽ dẫn đến nhiều tệ nạn khác trong kinh doanh như tranh giành đất, gian lận thuế. Vì thế, hành động buôn bán đất trên Mặt trăng được xem là hành động buôn lậu và cái giá phải trả cho hành động đó là phải nộp phạt tiền gấp nhiều lần “số tiền kiếm chác” được từ hành động buôn bán đất phi pháp đó. Trong trường hợp vi phạm nặng có thể sẽ bị phạt tù. Các luật sư của Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định quyền hạn của Lunar Embassy trên Mặt trăng là không hợp lệ.

MẶT TRĂNG: ĐIỂM DU LỊCH & KHU NGHỈ DƯỠNG TƯƠNG LAI - 4

Ảnh: Quảng cáo của Lunar Embassy

Trong số những người mua đất Mặt trăng có các cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Jimmy Carter, có các thành viên của 6 Hoàng gia và gần 500 triệu phú nổi tiếng, chủ yếu là các ngôi sao Hollywood như Tom Hanks, Nicole Kidman, Tom Cruise, John Travolta, Harrison Ford, Arnold Schwarzenegger, George Lucas v..v.. Hope còn dự định thành lập nước “Cộng hòa Mặt Trăng” và xin gia nhập LHQ. Ngày “Quốc khánh Mặt trăng” cũng được ấn định là 22.11. Không chỉ bán đất Mặt trăng mà Hope còn nuôi tham vọng bán cả đất sao Kim và sao Hỏa.

Nhưng đến khi nào các chủ nhân của đất Mặt trăng có thể đặt chân tới mảnh đất xa xôi mình làm chủ thì chưa rõ. Chi phí cho việc du lịch đến Trạm Không gian Quốc tế (ISS) bay trên quĩ đạo Trái đất đã tốn đến hành chục triệu USD thì chi phí lên Mặt trăng sẽ tốn hơn thế nhiều lần. Vì vậy cho dù các cường quốc chinh phục được Mặt trăng thì việc đưa các sở hữu chủ đất Mặt Trăng lên thăm chị Hằng còn là điều quá xa vời. Nhưng dù viễn cảnh “u ám” như vậy, công ty của Hope vẫn làm ăn phát đạt.

L.X 

(Theo China Daily, Moscow News và Science)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT