Một ít chuyện rong chơi ở Mỹ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ông cha ta từng dạy: Đi ngày đàng, học sàng khôn. Tôi rất tin vào lớp trẻ này. Hy vọng họ sẽ góp phần giúp cho đất nước "sánh vai cùng với các cường quốc Năm Châu", như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày giành được độc lập, tự do!

Một ít chuyện rong chơi ở Mỹ - 1
Bảo tàng Không gian Hoa Kỳ

Sau khi làm việc với Đại học Quốc gia Hoa Kỳ (American National University - ANU), phải hơn một giờ bay, tôi được gặp con trai đang làm Nghiên cứu sinh ở Đại học Pittsburgh (TP Pittsburgh, bang Pennsylvania). Thông qua con trai, tôi gặp nhiều trí thức trẻ Việt Nam đang theo học chương trình Tiến sĩ tại nhiều trường Đại học danh tiếng tại Mỹ, như: Texas, Chicago, Pittsburgh, CMU (Carnegie Mellon University), New York, Pennsylvania, Santa Barbara, Cornell…

Mình đã làm gì cho Tổ quốc?

Phần lớn các Nghiên cứu sinh này đã giành được Học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), nên cơ bản biết tôi qua bài hát Con thuyền ước mơ (Lời: Vu Gia, Nhạc: Vũ Hoàng). Bài hát Con thuyền ước mơ được với các từ: Con thuyền mang đến ước mơ. Đưa ta đến bao bến bờ.Kết nên những vần thơ. Con thuyền VEF. Chuyên chở đầy ước mơ… VEF chọn làm bài hát chính thức trong sinh hoạt tập thể của cộng đồng du học VEF tại Mỹ. Nhiều cháu đã cùng hát với Nhạc sĩ Vũ Hoàng bài hát này nên hỏi Nhạc sĩ Vũ Hoàng có cùng đi hay không. Tôi cho biết, hiện nay Nhạc sĩ Vũ Hoàng cũng đang ở Mỹ… Tho!  Cháu nào cũng cười vui, và cùng cất lên bài Phượng hồng, rồi Hương thầm của Vũ Hoàng, như một cách nhớ quê, nhớ về một thời học sinh, sinh viên đầy mơ mộng. Có cháu khen, Nhạc sĩ Vũ Hoàng sáng tác bài hát Khát vọng Tuổi Trẻ lấy câu nói của Tổng thống Kenedy: "Ask not what country do for you; Ask what you do for your country", đưa vào bài hát, động viên tuổi trẻ một cách ngọt xớt. Tôi hỏi lại: "Các cháu có khi nào nghĩ, đó là câu nói của Bác Hồ không?". Cháu nào cũng tròn mắt nhìn. Tôi nói tiếp: "Bác Hồ nói câu đó trước Tổng thống Kenedy những mấy năm".

Không cháu nào tin, tôi mở e-mail, định mail cho Vũ Hoàng gửi tôi những thông tin ấy mà anh đã đưa vào tập nhạc Một thời Sinh viên (NXB Trẻ, 2009), thì thấy Vũ Hoàng cũng đang mở mail. Tôi liền "chat" với Vũ Hoàng điều tôi muốn. Trong lúc chờ đợi, tôi nói cho các cháu biết trong cuộc sống thường ngày chúng ta thường nghe câu nói được ghi trong Binh pháp Tôn Tử: "Thắng một vạn quân không bằng tự thắng mình". Nhưng, trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: "Chiến thắng muôn vạn hùng binh không bằng chiến thắng chính mình". Nhà Hiền triết Platon cũng nói: "Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất". Do đó, không thể nói ai sao chép của ai.

Mail của Vũ Hoàng hiện lên, tôi mở ra và thấy Vũ Hoàng gửi bản scan về những điều tôi cần mà anh đã in trong tuyển tập nhạc. Về câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho/Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”! (sáng tác năm 1994).  Đó là ý được Vũ Hoàng lấy từ bài Phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ Khai giảng Trường Đại học Nhân dân Việt Nam - Hà Nội, ngày 19, tháng Giêng, năm 1955, có đoạn:

 "… Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà.

Mình phải làm thế nào cho ích nước lợi nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phần đấu chừng nào?".

Sau đó, nhiều cuốn sách có in lại bài phát biểu này. Cụ thể: Những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh (NXB Sự thật, Hà Nội, 1956, T.3, trang 102-105, Hồ Chí Minh: Bàn về công tác giáo dục (NXB Sự thật, Hà Nội, 1972, trang 42-46), Hồ Chí Minh - Về giáo dục thanh niên (NXB Thanh niên, Hà Nội, 2004, trang 125-129)…

Các cháu chuyền cho nhau, đọc xong mới biết thế nào là tư tưởng lớn gặp nhau! Một cháu nói: "Một ý tưởng hay như thế, mà từ nhà trường đến ngoài xã hội, không ai chịu dạy, chẳng ai nhắc tới. Lỗi này, không phải ở các cháu"!  

Buổi gặp mặt được vui hơn, bằng nét nhạc của Vũ Hoàng: Em chở mùa hè của tôi đi đâu… Quả nhiên niềm vui lại đến và các cháu hát nối tiếp… Chùm Phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu... Mối tình đầu của tôi…

Một ít chuyện rong chơi ở Mỹ - 2
Nhà báo Vu Gia bên bờ biển Nantasket

Đi ngày đàng, học sàng khôn

Sau bữa ăn sáng, chúng tôi cùng đi tham quan một số Bảo tàng, thắng cảnh… Các cháu cũng như tôi, vì mãi lo học có thì giờ đâu mà đi chơi đây đó. Các cháu cứ dựa vào Google map mà cùng bàn bạc đi chuyến xe bus nào, đi tuyến metro nào… Các cháu cũng trang bị cho tôi chai nước lọc để đỡ phải mua dọc đường mà tốn kém, nếu uống hết thì dùng nước máy. Một cháu lên tiếng: "Bác yên tâm, nước máy ở đây chí ít cũng bằng nước máy ở TPHCM". Từ ý này, suốt chặng đường đi của tôi cho đến về đến Phi trường Tân Sơn Nhất, tôi không tốn một cắc tiền nước, chứ không phải như hôm đi, quá cảnh tại phi trường Hong Kong, mua chai nước suối nhỏ phải tốn 2 USD. Với tôi, đây cũng là bài học kinh nghiệm khi đi xa, nhất là đi du lịch nước ngoài, cứ mang theo một chai nhựa, tới đâu lấy nước tới đó, khát lúc nào uống lúc đó, chứ đừng nghĩ vài USD có là bao, thì cuối kỳ đi chơi tính lại tiền nước sạch tốn bạc trăm là chuyện bình thường. Để ý quan sát, tôi thấy các cháu sống xa nhà đã có ý thức tiết kiệm, biết dùng đồng tiền đúng chỗ, đúng nơi. Thế là mừng!

Về chiến tranh Việt Nam, tôi thấy ở Bảo tàng Slodiers & Sailors (TP Pittsburgh) có nói đến, nhưng không hoành tráng hơn Bảo tàng Lịch sử nước Mỹ ở Washington D.C. Ở đây, trước của vào có chiếc trực thăng, phía trước có tượng (kích cỡ như thật) người lính Mỹ cầm súng trong tư thế quan sát, bên cửa lên xuống có người lính Mỹ đang chăm sóc đồng đội bị thương. Vào bên trong là lịch sử bằng hình. Mở đầu là ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết thúc là Tổng thống Mỹ Gerald Ford, khoảng giữa là những hình ảnh về chiến tranh Việt Nam từ lúc đổ quân đến khi người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Phần lớn những hình ảnh trưng bày ở đây là những hình ảnh bại trận, như lính Mỹ chết, lính Mỹ bị thương, lính Mỹ phản chiến, lính Mỹ đăm chiêu tưởng nhớ quê nhà… Trong dòng người tham quan, một cậu bé chỉ lên mấy tấm ảnh nói với người cha là cứ nhìn những hình ảnh này thấy từ thua tới thua. Người cha trả lời: "Mọi việc phải nhìn vào sự thật để rút ra bài học mới có thể tiến lên phía trước. Nếu con chỉ nhìn vào những khía cạnh tốt đẹp, thì sẽ dễ bằng lòng với hiện tại, không còn động lực phấn đấu. Nghèo đói từ đó mà ra". Các cháu nhìn tôi mỉm cười, cho rằng đó là cách giáo dục con rất đáng học tập.

Ông cha ta từng dạy: Đi ngày đàng, học sàng khôn. Tôi rất tin vào lớp trẻ này. Hy vọng họ sẽ góp phần giúp cho đất nước "sánh vai cùng với các cường quốc Năm Châu", như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày giành được độc lập, tự do.

V.G

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT