LASER THẨM MỸ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khái niệm về Laser :

Laser là tên ghép những chữ cái đầu của thuật ngữ khoa học bằng tiếng Anh “Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation” (Sự khuếch đại ánh sáng bằng bức xạ kích họat )-Tiếng Pháp là: Lumière Amplifiée par Emission de Radiation Stimulée.

LASER THẨM MỸ - 1

Laser là nguồn ánh sáng nhân tạo, thu được nhờ sự khuếch đại ánh sáng bằng bức xạ phát ra khi kích hoạt cao độ các phần tử của một môi trường vật chất vật chất tương ứng. Laser là ánh sáng có nhiều tính chất đặc biệt hơn hẳn ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo khác và có những công dụng rất hữu ích có thể áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật và đời sống, tạo nên cả một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật sau khi nó ra đời.

Sự ra đời của Laser bắt nguồn từ Thuyết Lượng tử do nhà bác học A.Einstein phát minh ra năm 1916. Đến năm 1954, các nhà bác học Anh, Mỹ đã đồng thời sáng chế ra máy phát tia Laser úng dụng vào thực tế. Các thử nghiệm Laser trên người bắt đầu từ đầu những năm 1960. Từ năm 1964 đã bắt đầu Laser trong các trị liệu về Da (chuyên khoa Da liễu).

 Ứng dụng của Laser trong y học:

Khi chiếu tia Laser vào một hệ sinh vật như cơ thể con người, sẽ có những hiệu ứng sinh học xẩy ra trong cơ thể. Những hiệu ứng sinh học này là cơ sở để sử dụng Laser trong y học phục vụ con người. Khi sử dụng Laser để điều trị thì yếu tố quyết định hiệu quả là liều chiếu, bao gồm các tham số: Công suất; Độ hội tụ (mật độ công suất ); Thời gian chiếu; Số lần chiếu; khoảng cách giữa các lần chiếu. Bên cạnh đó đặc điểm của tổ chức cơ thể nơi chiếu cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên kết quả tốt trong điều trị.

Các ứng dụng cơ bản của Laser trong y học :

1. Trong chẩn đoán: Có nhiều thiế bị chẩn đóng sử dụng Laser như: Máy Dopler Laser thăm dò, đo dòng máu trong cơ thể; Máy chụp cắt lớp Laser;  Các máy dò tìm, đo đạc, dẫn đường trong chẩn đoán.

2. Trong điều trị : Ứng dụng của Laser trong điều trị rất trị rất phong phú:

- Da liễu: Tẩy xóa các u, mụn, các đốm sắc tố như nốt ruồi tàn nhang các bớt bẩm sinh v.v…

- Nhãn khoa: Rất nhiều ứng dụng như điều tri hàn gắn các tổn thương võng mạc, điều trị các tổn thương giác mạc, trong các phẫu thuật sửa chữa các tật khúc xạ của mắt và phẫu thuật điều trị các bệnh lý khác của mắt.

- Hệ thống tiêu hóa: Tán sỏi ống mật chủ, trong các thủ thuật ngoại khoa điều trị các khối u đưng tiêu hóa, trong tạo hình thực quản, trong việc hàn gắn các tổn thương mạch máu nội tạng như trong các trường hợp ung thư, viêm loét đường tiêu hóa, v.v…

- Sản phụ khoa: Điều trị các tổn thương bệnh lý cổ tử cung, để tránh nguy cơ ung thư hóa.

- Tai – Mũi – Họng: Điều trị các tổn thương của dây thanh âm, các bệnh lý và tổn thương vùng họng hầu.

- Thần kinh : Điều trị các tổn thương dạng u ở hệ thống thân kinh.

- Hô hấp: Điều trị các khối u ở phổi, các tổn thương bệnh lý không phải do u, và hàn gắn cả các tổn thương khí quản do đặt ống nội khí quản khi gây mê hay do thủ thuật mở khí quản cấp cứu.

- Tim mạch : Phá hủy các mảng xơ vữa ở thành động mạch,

A. Dao mổ Laser :

Người ta sử dụng các Laser nhiệt để phẫu thuật như một dao mổ bằng tia sáng Laser. Điển hình là dao mổ bằng Laser CO2. Khi chiếu tia Laser, tổ chức cơ thể nơi tia đi qua sẽ bay hơi rất nhanh tạo nên một đường cắt sắc như dao. Và do tác dụng của nhiệt, hai bên đường cắt sẽ hình thành hàng rào sinh học bảo vệ vết mổ, nên vết mổ rất vô trùng và không bị chảy máu. Vì chùm tia Laser CO2 không nhìn thấy nên trong máy phát Laser phải gắn thêm Laser He-Ne công suất 1-2 mW phát tia màu đỏ dẫn đường.

Những ưu điểm của dao mổ Laser

Độ vô khuẩn cao, vì Laser tạo nhiệt độ cao tại đường rạch và không có sự tiếp xúc giữa dụng cụ và cơ thể; Laser CO 2 có khả năng vừa rạch đường mổ vừa cầm máu; Tạo ra hàng rào sinh học bảo vệ chung quanh đường rạch; Ít gây tổn thương cho tổ chức lân cận vết mổ; Thời gian mổ ngắn hơn; Săn sóc hậu phẫu thuận lợi hơn; Ap dụng thuận lợi trong những trường hợp dao mổ thường ít hiệu quả; Đặc biệt dao mổ Laser được sử dụng để phẫu thuật những bộ phận ở sâu trong cơ thể mà không làm tổn thương những phần cơ thể nó đi qua. Nó chỉ tác dụng chọn lọc trên phần mô tổ chức định sẵn. Như là phẫu thuật các tổn thương, các khối u sọ não, tủy sống, phẫu thuật mắt v.v..

B. Laser là phương tiện điều trị ít xâm lấn:

Khi chiếu Laser vào tổ chức cơ thể ở một nhiệt độ nhất định, Laser sẽ làm đông vón protein của tổ chức. Hiệu ứng này được áp dụng để can thiệp điều trị ít xâm lấn các tổn thương của cơ thể, kể cả can thiệp sâu vào bên trong cơ thể. Do mỗi loại Laser có độ hội tụ khác nhau và mỗi loại tổ chức mô cơ thể có khả năng hấp thu khác nhau nên người ta dưa vào đó để tính toán liều chiếu và cách chiếu, sao cho Laser chỉ tác dụng chọn lọc tại một nơi theo ý đồ sử dụng. Khả năng này được ứng dụng trong nhiều chuyên khoa y học như Mắt, Tai-Mũi-Họng, phẫu thuật thần kinh sọ não, phẫu thuật phá hủy các khối u trong cơ thể. Kể cả tổn thương bên ngoài cơ thể như U máu, việc sử dụng Laser để phá hủy khối u là phương pháp điều trị tối ưu.

C. Tác dụng kích thích sinh học:

Có rất nhiều loại Laser công suất thấp được sử dụng để khai thác khả năng kich thích các quá trình sinh học. Nhiều công trình nghiên cứu cũng như thực tế ứng dụng lâm sàng cho thấy hiệu ứng kích thích sinh học khi chiếu Laser có rất nhiều ứng dụng mang lại hiệu quả cao trong việc phòng bệnh và chữa bệnh, duy trì sức khỏe con người.

- Chiếu điều trị vết thương: Sát trùng vết thương; Tiêu hủy các tế bào mô chết; Tăng cường chống viêm, giảm đau; Làm phục hồi nhanh các mô tổn thương; Tăng sinh các mô lành; Kích thích tổ chức hạt ở vết thương phát triển nhanh; Thúc đẩy nhanh quá trình lành sẹo và hồi phục chức năng.

- Chiếu kích thích tổ chức lành: Để hồi phục và tăng cường sức khỏe; Để duy trì và tăng cường hoạt động sinh lý bình thường của các cơ quan trong cơ thể; Điều chỉnh các rối loạn và tăng cường hoạt động của hệ tim mạch; Duy trì chức năng bình thường của các hoạt động tâm thần kinh; Châm cứu bằng Laser; Tăng lưu lượng máu đến những vùng được chiếu.

 

 Laser trong thẩm mỹ:

Cũng trên cơ sở những hiệu ứng sinh học của Laser và những ứng dụng của Laser trong y học, chúng ta nhấn mạnh thêm những ứng dụng của Laser trong thẩm mỹ. Trong thẩm mỹ sử dụng Lasrer theo 2 hướng: Giải phẫu thẩm mỹ (ngoại khoa thẩm mỹ) và Săn sóc thẩm mỹ (Nội khoa thẩm mỹ). Được sử dụng phổ biến và hiệu quả cao như: CO 2, YAG, Erbium, Q-Nd, Fraxel, V-beam, Ruby, Laser kết hợp CO 2-erbium/YAG , v.v…

Trong giải phẫu thẩm mỹ:

Thường sử dụng Laser nhiệt như một con dao mổ, phổ biến nhất la Laser CO2, Laser Argon và Laser YAG.

- Trong giải phẫu dùng Laser để cắt như một con dao mổ, với sự dẫn đường của Laser He-Ne có rất nhiều ưu điểm như đã nói ở phần trên. Điều trị sẹo mụn trứng cá, Điều trị các u máu, Điều trị các u sắc tố, Đốt, tẩy các nốt ruồi xấu, Đốt mụn thịt, Tẩy tàn nhang, Tẩy vết nám, Bớt bẩm sinh, Lột da mặt ở các mức độ khác nhau, Tẩy lông, Điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại, Các vết thâm sắc tố sau phẫu thuật.

2. Trong Săn sóc thẩm mỹ :

Như đã nói ở phần trên, những úng dụng của Laser trong săn sóc thẩm mỹ cũng dựa trên những hiệu ứng sinh học mà chủ yếu là hiệu ứng kích thích sinh học của Laser khi chiếu vào tổ chức mô cơ thể người. Những Laser sử dụng trong săn sóc thẩm mỹ chủ yếu là Laser lạnh, công suất thấp. Đặc biệt, Laser được sử dụng ngày càng phổ biến trong các kỹ thuật chăm sóc da trong quá trình trẻ hóa da (Rejuvenation).

Các kỹ thuật Trẻ hóa da thuộc 3 nhóm theo cơ chế khác nhau là: Cơ học (các dụng cụ mài da), Hóa học (dùng các loại hóa chất), Nhiệt (dùng các loại ánh sáng có năng lượng cao như Laser). Hay còn gọi là phương pháp chăm sóc thẩm mỹ Da bằng ánh sáng đang rất được tin dùng và ngày càng phổ biến trên thế giới. Tất nhiên như đã nói ở trên, việc sử dụng Laser đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật và thành thạo, để có chỉ định chính xác về liều chiếu, nơi chiếu và phương pháp chiếu, nhằm đạt hiệu quả cao nhất với sự an toàn tuyệt đối.

Có nhiều loại Laser được sử dụng và chúng có những đặc tính khác nhau (bước sóng, công suất, mật độ công suất …). Vì vậy mỗi loại Laser sử dụng cho những phần da khác nhau (tác dụng chọn lọc), với liều chiếu khác nhau.

Ngoài các công dụng như đã nói ở phần ứng dụng trong giải phẫu thẩm mỹ, Laser còn dùng để săn sóc da thuần túy với các kỹ thuật: Tẩy tế bào chết trên da; Chiếu để kích thích các tế bào da phát triển và thay mới; Kích thích tăng cường tuần hoàn dưới da để tăng nuôi dưỡng da và làm hồng hào da;  Kích thích tăng sinh và tái tạo colagene và mô đệm để da căng đầy và mềm mại; Làm tăng độ đàn hồi của da để xóa các vết nhăn; Chống lão hóa da;  Giữ gìn sắc diện tươi trẻ cho da; Làm tan mỡ ở những vùng ứ đọng mỡ;  Làm săn chắc những bộ phận bị nhão, xệ; Hồi phục và duy trì vóc dáng trẻ trung của cơ thể.

LASER THẨM MỸ - 2

Cần lưu ý: Laser có nhiều ứng dụng hiệu quả trong y học nói chung và thẩm mỹ nói riêng, nhưng việc sử dụng Laser trong thực tế đòi hỏi sự hiểu biết đầy đủ và tuân thủ nghiêm ngặt các qui định vể chế độ an tòan cho cả thầy thuốc và bệnh nhân.

Ngày nay ở các nước tiên tiến người ta đã chế tạo ra rất nhiều máy phát nhiều loại Laser khác nhau dùng trong thẩm mỹ. Các máy Laser hiện đại đều được chương trình hóa (computerized) nên rất tiện lợi cho việc sử dụng, cho phép đạt hiệu quả sử dụng tôi ưu và tuyệt đối an toàn cho khách hàng và người sử dụng.

Ở Việt Nam, từ hàng chục năm qua, Laser đã được ứng dụng trong y học nói chung và trong Giải phẫu Thẩm my, cũng như săn sóc thẩm mỹ nói riêng, Những người hành nghề trong lĩnh vực thẩm mỹ cũng đã luôn cập nhật những tiến bộ của thế giới và tiếp thu nhanh chóng công nghệ mới, để sử dụng có hiệu quả trong thực tế. Tuy nhiên do Laser là công nghệ tiên tiến, nên giá thành các thiết bị Laser còn cao và đó cũng là một rào cản cho việc ứng dụng Laser phục vụ con người. Mặc dù vậy, nhiều loại máy Laser thẩm mỹ tiên tiến đã có mặt ở Việt Nam để phục vụ kịp thời nhu cầu làm đẹp của người Việt Nam. Hy vọng cùng với sự hội nhập của đất nước và sự phát triển của đời sống kinh tế, người Việt Nam chúng ta sẽ nhanh chóng được hưởng kịp thời những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong cuộc sống nói chung, cũng như trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp nói riêng.

C.N.B

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT