Lừa đảo đặt phòng giá rẻ mùa du lịch không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đại dịch được kiểm soát giúp khơi thông nhu cầu đi du lịch của người dân, khiến cho các dịch vụ du lịch bị quá tải vào mùa cao điểm. Đây cũng là lúc xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo xấu xí của kẻ gian, đánh vào tâm lý “ham của rẻ” của du khách để dẫn dụ con mồi rơi vào bẫy.

Kể từ khi đại dịch được kiểm soát, ngành du lịch Việt Nam không ngừng đón nhận những tín hiệu tích cực, mang tính đột phá lớn đáng kinh ngạc. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2022 đến nay, nước ta liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, trong khoảng từ 50% - 75%.

Cụ thể, tính chung 7 tháng vừa qua, Việt Nam chào đón khoảng 954.000 lượt khách quốc tế, tăng 9 lần so với cùng kỳ năm 2021, giúp tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng đạt 62%/tháng. Riêng với thị trường du lịch nội địa, thống kê từ các tỉnh thành đã cho thấy có hơn 71,8 triệu lượt khách nội địa đi du lịch trong nước, vượt chỉ tiêu Tổng cục Du lịch đã đề ra khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3.

Chiến thắng làn sóng đại dịch và đưa ngành công nghiệp không khói trở lại guồng quay, từng bước đưa du lịch cả nước trở lại thời kỳ hoàng kim trước khi bóng dáng COVID-19 bao trùm cả thế giới, đó là thành quả đáng tự hào của Chính phủ và cộng đồng làm du lịch tại nước ta.

Lừa đảo đặt phòng giá rẻ mùa du lịch không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy - 1

Du khách quốc tế thích thú khi đến TP.HCM du lịch sau khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Thế nhưng, lượng khách đổ về ngày một nhiều càng khiến cho các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch bị quá tải, đặc biệt là vào mùa hè hoặc các dịp nghỉ lễ lớn. Theo ghi nhận, cả nước hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao và 334 khách sạn 4 sao, tổng cộng 117.000 buồng.

Nhu cầu đi du lịch tăng nhưng nguồn cung dịch vụ lại không đủ sức theo kịp. Các khách sạn tại các điểm du lịch lớn trên toàn quốc như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Sa Pa, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang… thường xuyên kín khách. Đây cũng là lúc mà kẻ gian lợi dụng, nghĩ ra vô số chiêu trò lừa đảo hòng chiếm đoạt tiền của du khách thông qua việc giới thiệu đặt phòng khách sạn, villa hay homestay kém chất lượng với mức giá cực hời, thủ tục đơn giản, khiến cho “nồi canh” du lịch đang ngon mắt bỗng hóa rầu rĩ.

Lừa đảo đặt phòng giá rẻ mùa du lịch không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy - 2

Bãi biển Sầm Sơn luôn chật kín khách. Ảnh: TTXVN

Tâm lý ham của rẻ là “gót chân Achilles” của du khách Việt

Vào những ngày cuối tháng 7, mạng xã hội xôn xao thông tin một nữ du khách tên N bị kẻ gian lừa đảo chiếm tiền đặt phòng khi cô có nhu cầu nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa. Hắn tìm đến cô, tự xưng là người làm việc tại khu nghỉ mát S.N, giới thiệu cô đặt phòng với mức giá siêu hời: 12 triệu đồng cho 4 phòng, 2 đêm nghỉ. Lý giải cho mức giá này, hắn viện cớ “do khách hủy phòng phút cuối nên thanh lý”. Dù đã cẩn thận kiểm tra thông tin với chính nhân viên lễ tân resort, nhưng cuối cùng, cô N vẫn bị lừa một vố đau khi tin tưởng chuyển tiền cho kẻ gian. Khi chuyện đã rồi, cô bức xúc yêu cầu ban quản lý khu nghỉ mát giải thích cho ra lẽ. Hiện sự việc vẫn đang được các bên liên quan phối hợp với cơ quan chức năng điều tra.

Lừa đảo đặt phòng giá rẻ mùa du lịch không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy - 3

Dù đã cẩn thận kiểm tra thông tin nhưng du khách vẫn bị lừa. Ảnh: Internet

Thực tế, trường hợp đáng tiếc của cô N không phải là duy nhất. Nếu tìm kiếm trên Google với từ khóa “du khách bị lừa đặt phòng khách sạn”, bạn sẽ tìm thấy có rất nhiều trường hợp tương tự.

Ngay sau khi mở cửa du lịch, cả nước bước vào đợt nghỉ lễ 30/4 kéo dài 4 ngày, cực kỳ lý tưởng cho những chuyến du lịch xa nhà. Chị H ở Hà Nội có nhu cầu đặt phòng nghỉ cho các đồng nghiệp cơ quan đi chơi vào dịp này. Qua tìm hiểu trên mạng, chị tìm được căn villa phù hợp cho 16 người lớn và 6 trẻ em, với giá 16 triệu đồng/đêm, tính ra mỗi người lớn chỉ chịu 1 triệu đồng/đêm (kể cả có dẫn theo con trẻ), quả là một mức giá rẻ không tưởng khi thuê villa. Chị liền đặt cọc trước 50%, tức 8 triệu đồng, số còn lại sẽ thanh toán trực tiếp. Thế nhưng, sau nhiều lần hứa hẹn, người bán vẫn không giao mã code đặt phòng cho chị. Đến sát ngày khởi hành, chị bị người bán chặn số liên lạc, lúc này mới hay mình đã bị lừa.

Lừa đảo đặt phòng giá rẻ mùa du lịch không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy - 4

Hãy cảnh giác với những "hot deal" mà bạn "săn" được. Ảnh: Internet

Cũng trong dịp cao điểm này, công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã nhận được nhiều đơn tố cáo các đối tượng lừa cọc khách sạn, villa, homestay tại Đà Lạt. Chúng lợi dụng nhu cầu thuê phòng tăng cao dịp lễ để đăng các bài giới thiệu cho thuê khách sạn, villa, homestay… với mức giá hấp dẫn hầu bao của du khách.

Không dừng lại ở việc gài bẫy giá phòng rẻ như cho, kẻ gian còn lợi dụng tâm lý thích “săn” combo du lịch của phần lớn du khách hiện nay. Do ngày càng được ưa chuộng nên chỉ cần dạo một vòng các trang web, diễn đàn về du lịch, bạn sẽ thấy có rất nhiều combo du lịch được rao bán với mức giá từ bình dân đến cao cấp. Tin tưởng các nhà bán combo “giá rẻ”, nhiều người bị sập bẫy, thanh toán xong nhưng không nhận được gì. Số tiền bị lừa ít thì vài triệu, nhiều thì vài chục triệu đồng.

Lừa đảo đặt phòng giá rẻ mùa du lịch không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy - 5

Đầy rẫy combo du lịch giá rẻ khiến du khách dễ rơi vào bẫy của kẻ gian. Ảnh: Internet

Phần đông du khách sau khi bị lừa đã chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Họ chỉ đưa câu chuyện kém may mắn của mình ra ánh sáng khi số tiền bị chiếm đoạt có giá trị lớn. Từ đây, nhiều tranh cãi đã nổ ra trong chính cộng đồng mạng. Có ý kiến chỉ trích vì ham rẻ nên kết cục nhận phải là đáng đời. Mở rộng hơn, cộng đồng mạng còn quy chụp việc “ham của rẻ” của du khách hiện nay chính là hành động “vẽ đường cho hươu chạy”, vô hình trung tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng làm việc phi pháp.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu thói quen ưa chuộng giá rẻ của người Việt có phải là cái tội?

Ở một quốc gia có thu nhập tương đối thấp như Việt Nam thì tâm lý và thói quen chọn hàng rẻ là dễ hiểu. Tuy nhiên, việc mù quáng tin tưởng vào những con số “hời” được đăng tràn lan trên mạng mà không có sự đối chứng, kiểm tra, hay tìm hiểu giá cả mặt bằng của thị trường là điều không nên.

Thủ đoạn lừa đảo không mới và cách để không bị sập bẫy

Nhìn chung, những đạo chích du lịch có cách thức lừa đảo không mới, thậm chí là “bổn cũ soạn lại”. Chúng lợi dụng mùa cao điểm của ngành du lịch, rồi tiến hành tìm hiểu nhu cầu của du khách, kết hợp với tâm lý chung là thích giá rẻ, từ đó, tận dụng sự thuận tiện của Internet và mạng xã hội để tiếp cận con mồi. Tại đây, chúng thường yêu cầu các khách hàng của mình chuyển khoản trực tiếp đến tài khoản ngân hàng cá nhân chứ không phải tài khoản của cơ sở cung cấp dịch vụ.

Lừa đảo đặt phòng giá rẻ mùa du lịch không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy - 6

Kẻ gian thường xài chung một công thức: Đánh vào tâm lý ham rẻ của du khách và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Ảnh: Internet

Từ rất nhiều trường hợp bị lừa đảo, các chuyên gia du lịch đã gợi ý một số cách giúp du khách tỉnh táo, tránh rơi vào bẫy giá rẻ.

Cụ thể, bạn không nên giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin, không có hoặc không cho phép thanh toán tiền qua tài khoản công ty. Tốt nhất, bạn nên đặt trực tiếp tại cơ sở cung cấp dịch vụ mà không thông qua trung gian.

Nếu đặt qua đại lý, nên sử dụng dịch vụ của các đại lý du lịch, các ứng dụng hay tổ chức, doanh nghiệp có uy tín, đã được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hạn chế liên hệ đặt phòng thông qua các bài đăng trên các hội nhóm liên quan đến du lịch và cho thuê khách sạn, villa, homestay…

Với cùng một sản phẩm nhưng có nhiều mức giá chênh lệch cao, bạn nên cảnh giác và kiểm chứng thông tin của người bán hoặc đại lý, vì rất có thể đó là một cái bẫy được giăng sẵn chờ bạn mắc vào.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo