ĐI GIỮA MÙA XUÂN Tập thơ Trương Chính Tâm

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 

ĐI GIỮA MÙA XUÂN Tập thơ Trương Chính Tâm - 1    

Trương Chính Tâm

Tên thật: Trương Minh Nhựt (Bí danh Ba Vũ)

Sinh năm 1952

Quê quán: Gò Công, Tiền Giang

Tham gia Cách mạng: 1964

Vào Đảng 1971

Nguyên: Phó Bí Thư Thành đoàn TP.HCM; Phó Bí thư Thường trực Huyện Ủy bình Chánh – TP.HCM; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TP.HCM; Phó Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM; Bí thư Quận ủy Quận 4, TP.HCM.

 

Hiện là: Tiến sĩ, Vụ trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, trưởng cơ quan Thường trực phía Nam tại TP.HCM

Viết văn, làm báo, làm thơ trước năm 1975; chỉ đạo báo chí phong trào học sinh sinh viên đô thị miền Nam; Nguyên: Phó Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn; Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ sinh hoạt dân chủ học đường; Văn đoàn trưởng Văn đoàn học sinh Sài Gòn.

Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM

 

 

 

ĐI GIỮA MÙA XUÂN Tập thơ Trương Chính Tâm - 2

 

Tôi biết được Nhà thơ Trương Chính Tâm từ bí danh “Ba Vũ” lúc tôi vừa ở tù ra và về công tác tại Đoàn ủy học sinh thuộc Thành đoàn Sài Gòn Gia Định (nay là Thành đoàn TP.HCM) năm 1973 tại căn cứ Thanh An (Bến Cát, Bình Dương).

Lúc ấy, Ba Vũ được phân công phụ trách một cánh Trung tâm công khai của Đoàn ủy học sinh. Ba Vũ tính tình điềm đạm, bình tĩnh, cần mẫn nên chỉ đạo phong trào rất có hiệu quả. Trong nhiều lần về căn cứ làm việc, bên cạnh báo cáo công tác, thỉnh thoảng, tôi được Ba Vũ đọc cho nghe những bài thơ anh vừa sáng tác. Lúc đó, tôi có động viên Ba Vũ nên sử dụng khả năng làm thơ của mình để phục vụ cho phong trào.

Hôm nay, tôi cầm trong tay bản thảo tập thơ “Đi giữa mùa Xuân” của Nhà thơ Trương Chính Tâm, rất mừng và xúc động sau khi xem hết trên mấy chục bài thơ, gồm thơ phong trào công khai, thơ trong tù và thơ trong vùng căn cứ.

Vốn mang truyền thống cách mạng từ người cha lẫn mẹ và các anh, chị, lại được nung đúc từ quê hương Trương Định, với đám lá tối trời anh dũng của Gò Công và bản thân nhà thơ khi lên Sài Gòn học Đại học, lại được dấn thân và trui rèn qua phong trào, trong nhà tù và vùng căn cứ Cách mạng. Những yếu tố đó đã tạo ra một Ba Vũ, một cán bộ Đoàn năng nổ, bản lĩnh, dũng cảm, kiên cường và tạo nên nhà thơ Trương Chính Tâm.

ĐI GIỮA MÙA XUÂN Tập thơ Trương Chính Tâm - 3

Đọc thơ Trương Chính Tâm, trước hết là ở nét mộc mạc và chân thật của lứa tuổi học trò, khi mới bước chân ra đời tham gia phong trào.

Anh đã bức xúc bộc lộ thái độ trước chế độ Sài Gòn mất tự do dân chủ:

Ai đã bôi đen chữ Tự nguyền

Trong bài “dân chủ” buổi đầutiên

Gào to muôn trái tim hồng ấy

Trả lại cho ta! Cho học đường”.

(Phấn trắng, đăng báo Học đường mới, năm 1970)

Đó là nguyên nhân tại sao anh phải dấn thân vào phong trào với lời thề:

Ta lớn với đời muôn sức sống

Hẹn thề bảo vệ những mùa Xuân

Hoa thơ hương mới vườn sinh hoạt

Giờ mới tự do, vẫy cánh mừng

(Phấn trắng, đăng báo Học đường mới, năm 1970)

Khi mới bước chân vào Cách mạng, anh cũng như bao nhiêu bạn bè khác, đều hết sức phấn khởi, tin tưởng vào con đường mình đã chọn hương mới đầy “hoa thơm vẫy cánh mừng” như Tố Hữu đã từng bộc bạch khi mới vào Cách mạng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Càng dấn thân vào Cách mạng, anh càng nhận rõ hơn cả bản chất tội ác của kẻ thù:

Chúng giết cỏ xanh đưa đường đi học

Đập nát cánh chuồn bay giữa trời chơi”

(Trường sử, đăng báo Học sinh của Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn 1971)

Từ những bức xúc thực tiễn đó, làm cho anh và đồng đội ngày càng lớn khôn hơn,  với tầm nhìn rộng hơn trong cuộc chiến đấu mới.

Qua những con đường

Em lớn khôn hơn

Ngọn lúa no bông

Đón mùa gặt mới

(Qua những con đường, Báo Đại Dân tộc, 1973)

Và con đường đó không phải do mình mà cả loài người. Đó là con đường đầy gian khổ:

Cơm áo loài người tương lai thế giới

Gói hành trang mạng nặng bước chân dài

Qua những con đường

Em thấy ngày mai

ĐI GIỮA MÙA XUÂN Tập thơ Trương Chính Tâm - 4

Ai đi Cách mạng bước đầu đều căm thù, bức xúc trước cuộc sống, nhưng càng lao vào đường Cách mạng, anh mới nhận ra lý tưởng của mình là “cơm áo loài người tương lai thế giới”. Đó là lý tưởng của Xã hội Chủ nghĩa mà anh đã nhận ra từ thực tiễn đấu tranh. Năm 1970, là một trong những năm sôi nổi hào hùng của tuổi trẻ thành phố, cũng là năm chiến tranh ngày càng ác liệt. Chúng không từ những ngôi trường nhỏ của các em thơ. Bài thơ “Ngôi trường văn hóa” của Trương Chính Tâm nói lên nỗi xúc động khi thấy ngôi trường bị tàn phá nhưng vẫn tồn tại một cách kiên cường.

Bài học thuộc lòng

Lịch sử Việt Nam

Cô giáo giảng suốt mùa Xuân lửa dậy

Hay:

Mái trường xưa vách lá ngoan hiền

Xua bóng tối đợi người về tươi sáng

Em bé ơi ngực hồng thơm tiếng hát

Dưới ngôi trường văn hóa của quê hương

(Ngôi trường văn hóa, 1970)

Như Nhà thơ Tố Hữu đã miên tả: “Vào cách mạng là gươm kề cổ, sung kề tai”. Nhà thơ Trương Chính Tâm không thoát khỏi hoàn cảnh khi đi vào hoạt động cách mạng. Một lần từ Sài Gòn, còn gọi là chiến trường A, về căn cứ ở biên giới An Giang, còn gọi là vùng B, anh bị bắt khi:

Bám cửa khẩu ra chiến trường

Bằng chiếc xuồng con

Sáng hôm nay, giặc bắt nhốt trong đồn”

Và:

“Sáu tháng ấy mẹ và con đều bị bắt

Bóng tối nhà tù thương nhớ chiến khu”

(Biên giới xanh, lòng ta đỏ, 1971)

Lúc bấy giờ anh lại được tin mẹ cũng bị bắt. Thật không nỗi đau nào hơn khi nghe Mẹ ở tù cũng bị đánh đập, hành hạ. Từ đó, càng nung chí căm thù và vững vàng trước những đòn của giặc để giữ gìn khí tiết Cách mạng: Anh khẳng định: phải làm tròn đạo nhân dân.

Như là cây thánh giá

Như là Chúa đóng đinh

Anh một người cộng sản

Thề trọn đạo nhân dân”

(Xiềng băng ca, 2.1975)

Ai đi làm công tác ở đô thị, ít nhất cũng một vài lần về căn cứ để học tập hoặc tạm lắng. Ở vùng căn cứ ác liệt nhất là luôn bị bom đạn hoặc bị giặc càn quét.

Đất nung mấy đợt bom đìa

Ầm xa, thốt nốt, ngọn lìa ngã ngang

Giày đinh, mái tháp còm lưng

Dáng cao đất đứng thật gần Đông Dương”

(Người và đất Campuchia, 11.1973)

Sau Mậu Thân, địch càn quét lấn chiếm các vùng căn cứ. Hết chỗ ở nên căn cứ Thành đoàn phải trị chân ở Bắc Lộ, Tim Lơn (Preyveng, Campuhia). Lúc ấy, Campuchia – Việt Nam đang kề vai sát cánh bên nhau để đánh đuổi kẻ thù chung.

Ta đi từ vận thuyền chung

Ta đi từ một dòng sông anh hùng”.

(Người và đất Campuchia, 11.1973)

Đó là dòng sông Mê-kông hiền hòa, dòng sông chung của hai nước, hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.

Có hai cô gái từ phong trào về căn cứ rủ nhau đi tắm hố bom, nhưng không biết bơi, bị trượt chân cả hai bị chết đuối. Trương Chính Tâm xúc động nuối tiếc:

Ngày như chiếc lá màu xanh

Sao nay nằm xuống trên sông Sài Gòn

Trồng lên mộ đất huệ hồng

Bông thương, bông vót mũi chông căm thù”

(Cho hai đồng chí hy sinh, 11.1973)

Ai cũng vậy, ở phong trào thì nhớ chiến khu, ở chiến khu lại nhớ phong trào. Trương Chính Tâm đã mô tả nỗi nhớ của mình đối với phong trào khi đang về sống ở căn cứ:

Hát về trường mới ta ơi

Sài Gòn sôi máu tim người đi xa

Ở đây rừng hát chung nhà

Trảng bom gần với tiếng gà rừng khuya”

(Rừng ơi nhớ phố Sài Gòn, 3.1973)

Rừng chiến khu luôn là hình ảnh đẹp gợi cho thi sĩ nhiều cảm xúc về với rừng. Trương Chính Tâm thốt lên:

Khi ta tới rừng vẫy chào tiếng lá

Chưa quen nhiều nên hoang vắng bàn chân

Rừng xòe ngón tay che võng ta nằm

Rừng lấy thân mình căng cho ta

Hai đầu cuộc sống”.

(Tiếng hát giữa rừng, 19.3.1974)

Thật sự trong kháng chiến rừng với Cách mạng là một:

Rừng che bộ đội

Rừng vây quân thù

(Tố Hữu)

Trương Chính Tâm lại khẳng định:

Rừng là chiến khu! Rừng là Tổ quốc

Rừng là Cách mạng! Rừng là quê hương”

(Tiếng hát giữa rừng, 19.3.1974)

Đó là những lời thơ rất đẹp của Trương Chính Tâm khi mô tả về rừng. Có gì sung sướng bằng trên con đường hành quân từ Long Khánh để về giải phóng Sài Gòn. Trên đường đi tin thắng trận dập dồn làm nô nức lòng người.

Hôn lên mặt phố phường ta hát

Sài Gòn ơi! Bài hát anh hùng

Từ tiếng hát “những đêm không ngủ”

Dẫn đoàn ta tiến về Sài Gòn”.

Về góc độ nghệ thuật, tôi thấy thơ Trương Chính Tâm có hồn. Trong lúc vừa hoạt động Cách mạng, vừa làm thơ nên thơ của anh có sức sống, bám sát phong trào và rõ ràng đã góp phần cho hoạt động cách mạng của anh thêm phần thi vị, có sức lôi cuốn, qua mỗi giai đoạn anh đều có những bài thơ rất truyền cảm.

Một điều đáng quan tâm ở đây là thơ anh phần lớn đăng ở các báo công khai. Trong hoàn cảnh đó, sáng tác một bài thơ mang tính Cách mạng mà vẫn che dấu được mình là một điều không phải dễ dàng. Vì vậy, từng câu thơ anh rất chắt lọc để tránh không bị địch “cắt đục” được mà vẫn nói được tư tưởng Cách mạng của mình. Phải nói thơ Trương Chính Tâm đã đạt đến một trình độ nghệ thuật khá tốt.

Qua mấy chục bài thơ “Đi giữa mùa Xuân” chính sự xúc cảm chân thành đôi khi mộc mạc, chân chất nên đã làm lay động được người đọc. Đó là thành công của tập thơ đầu tay này.

Phú Mỹ Hưng, ngày 22.3.2011

Thiên lý

Nguyễn Chơn Trung

(Nguyên Bí thư Thành đoàn TP.HCM)

* Đi giữa mùa Xuân Tuyển tập thơ Trương Chính Tâm, do NXB Trẻ ấn hành tháng 10.2011.

 

Rừng ơi nhớ phố Sài Gòn

Rừng ơi nhớ Phố Sài Gòn

Ngày xa thêm tháng, tháng còn xa năm

Lá reo thêm nhịp bước gần

Chờ tin em ở chiến trường còn xa

 

Có còn họp trại tháng ba

Bàn tay tập thể vỗ ca cộng đồng

Dậy mà đi” những “Đêm hồng(1)

Lúa reo lên khắp đồng bằng”, “Giao ca(2)

Hát thơm cơm áo mẹ già

Hát tươi môi bé nở hoa cuộc đời.

 

Hát về trường mới ta đi

Sài Gòn sôi máu tim người đi xa.

Ở đây rừng hát chung nhà

Trảng Bom gần với tiếng gà rừng khuya.

 

Bàn tay dựng cột, gác kèo

Ôi bàn tay mới hôm nào rát da

Cầm liềm tranh cắt so le

Cũng ôm đầy bó, hom le bện dày.

 

Chân anh làm mủ gai mây

Vẫn ôm củi, xách nước, ngày trực sinh

Buổi qua lao động rêm mình

Tối nay nhớ nhé, họp hành không quên.

 

Tiếng cười xanh giữa lá sương sâm

Với câu lạc bộ ta “Hành quân đêm(3)

Chào em cô gái Lam Hồng(4)

Chào em cô gái học sinh phong trào.

 

Chào em “Cô gái Sài Gòn”… (5)

Chào em “Cô gái Trường Sơn” mở đường (6)

Rừng ơi nhớ phố Sài Gòn

Chào nhau rừng núi quê hương ngàn đời

Rừng Thanh An (Bình Dương) 3.1973.

TCT

1, 2, 3, 4, 5, 6 Tên các bài hát phong trào và giải phóng, được hát trong trong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của học sinh, sinh viên Sài Gòn và đô thị miền Nam thời kháng chiến Mỹ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT