HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ PHÁP LÝ TRÊN BIỂN ĐÔNG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 26/7/2014, tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM, Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật TPHCM đã cùng tổ chức Hội thảo quốc tế "Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam". Đến tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo gồm 50 hoc giả, là những chuyên gia quốc tế đến từ các Trung tâm, Viện nghiên cứu, Trường đại học lớn của Mỹ, Liên bang Nga, Italia, Hungari, Ba Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Phillipines... Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện một số cơ quan ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế tại TPHCM và các học giả, nhà nghiên cứu uy tín của Việt Nam

HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ PHÁP LÝ TRÊN BIỂN ĐÔNG - 1

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam bày tỏ mong muốn các đại biểu trong và ngoài nước phát biểu những ý kiến, nguyện vọng chính đáng đề đạt với Đảng và Nhà nước Việt Nam những nguyên tắc đấu tranh bảo đảm độc lập chủ quyền của Việt Nam chống hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Qua Hội thảo sẽ đóng góp nhiều ý kiến cho Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình quốc tế còn nhiều phức tạp hiện nay.

GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Truờng Đại học Luật TPHCM, Trưởng Ban tổ chức hội thảo nêu rõ: Một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng là mục đích tốt đẹp nhất mà cộng đồng quốc tế hướng tới và mong muốn đạt được. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều có nghĩa vụ hợp tác để bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế. Để đạt được mục đích này, các quốc gia phải tận tâm, thiện chí với nhau trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, trong đó bao gồm hợp tác về giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở pháp luật quốc tế.

Tại Hội thảo, Bà Jeanne Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Thế giới, cho rằng: "Các hiệp định của Liên Hiệp quốc và luật pháp quốc tế có những quy tắc để giải quyết hòa bình những tranh chấp như thế này, yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải giải quyết ôn hòa những vấn đề liên quan đến tài nguyên quốc gia. Tôi hy vọng là các nước Asean có sự đồng thuận và sẵng sàng ứng phó cao, điều này sẽ là áp lực đối với Trung Quốc."

Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế ngày 22/5/2014 tại Phillipines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết căng thẳng trên Biển Đông hiện nay; song, Việt Nam cũng không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng để “nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Việt Nam đang cân nhắc các phương án để tự vệ, kể cả phương án đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế.

HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ PHÁP LÝ TRÊN BIỂN ĐÔNG - 2

Trong ảnh, từ trái qua phải, hàng đầu tiên: Ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Truờng Đại học Luật TPHCM; hàng dưới: GS Luật Quốc tế Alexander Yankov - nguyên Thẩm phán Tòa án La-Hay, nguyên Thẩm phán Toà án quốc tế về luật biển và Bà Jeanne Mirer - Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ thế giới

Qua ba phiên Hội thảo với 14 tham luận tập trung vào 3 chủ đề: (1) Luật Quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, (2) Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị ngoại giao trong luật pháp quốc tế, (3) Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý trong Luật quốc tế; các chuyên gia, học giả đều nhận định việc Trung Quốc hạ đặt dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế, đe doạ hoà bình, an ninh của khu vực và thế giới.

Trên tinh thần đó, dưới góc độ Luật pháp quốc tế, các Học giả đã thảo luận về các biện pháp hòa bình, giải quyết tranh chấp bao gồm các biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý; nhiều học giả đã đưa ra những phân tích, bình luận khoa học đánh giá về những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng các biện pháp này để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ PHÁP LÝ TRÊN BIỂN ĐÔNG - 3

Đặc biệt các chuyên gia đến từ các nước khu vực Asean: Thái Lan, Indonesia, Philippines đã trình bày kinh nghiệm của các quốc gia sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp. Qua đó, Giáo sư Hikmahanto Juwana, (Khoa Luật - Đại học Indonesia) với tham luận mang chủ đề "Kinh nghiệm của Indonesia trong việc giải quyết biên giới biển", đã phân tích một số kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp biên giới trên biển của một số nước. Ông cho rằng, Việt Nam cần đánh giá đầy đủ các chứng cứ pháp lý, tổng hợp sức mạnh của dư luận quốc tế trong việc ủng hộ các tuyên bố của Việt Nam; bằng việc sử dụng các biện pháp chính trị ngoại giao, sau đó mới tính tới việc đưa ra Toà án Công lý quốc tế. Việc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp là trái luật pháp quốc tế, các bên thoả thuận áp dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan đến lãnh thổ biên giới là tốt nhất.

Luật sư Veeramalla Anjaiah - Phó Tổng biên tập Thời báo Daily Jakarta Post, Indonesia, việc Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu khổng lồ Hải Dương - 981 trong vùng biển của Việt Nam là một sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế, và trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các các bên ở Biển Đông 2002 (DOC). Ông cho rằng ASEAN cần nhanh chóng đoàn kết, thống nhất, đồng thuận để cùng Trung Quốc ký Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) nhằm góp phần ngăn ngừa và giải quyết hiệu quả các tranh chấp. hơn nữa cộng đồng ASEAN cần vận động các quốc gia ngoài khối như Mỹ, Nhật Bản, Úc… ủng hộ trong tiến trình giải quyết hoà bình các tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. 

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) cũng cho rằng, tiếng nói của ASEAN sẽ góp phần kiềm chế tham vọng của Trung Quốc, khiến nước này không thể sử dụng và đe dọa bằng vũ lực. Việt Nam nên lựa chọn biện pháp theo đuổi thủ tục trọng tài quốc tế hoặc nộp đơn lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng ASEAN và Trung Quốc ký COC.

Luật sư Pierre Schifferli, Thụy Sỹ phát biểu tại Hội thảo, Ông đã gọi tên Hoàng Sa và Trường Sa bằng tiếng Việt; điều này cho thấy người nước ngoài công nhận Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Ông nhấn mạnh, cách tốt nhất cho Việt Nam để giải quyết vấn đề Trung Quốc xâm phạm lãnh hải là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế; nếu Việt Nam đối thoại song phương thì điều kiện Trung Quốc đưa ra là 90% của họ và 10% Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế có mặt đều công nhận ý kiến này.

Giáo sư Luật Quốc tế Alexander Yankov - nguyên Thẩm phán Tòa án La-Hay, nguyên Thẩm phán Toà án quốc tế về luật biển đến từ Bungari sẵn sàng giúp Việt Nam có thêm thông tin, kinh nghiệm để giải quyết hoà bình vụ việc; Ông nhận định: “Một khi đã đạt được đồng thuận về các hành động đó, chúng ta cần phải tiến hành ngay. Ngay từ hôm nay hoặc ngày mai. Tôi e rằng thậm chí nếu để đến ngày kia cũng đã là quá muộn”.

HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ PHÁP LÝ TRÊN BIỂN ĐÔNG - 4

Đông đảo các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế, các và các phóng viên báo đài TW – địa phương tham dự Hội thảo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!