TP.HCM và ĐBSCL kiến tạo một vùng kinh tế năng động, hội nhập quốc tế

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đang cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện, từ phát triển hạ tầng giao thông, y tế đến bảo vệ môi trường, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả vùng.

Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, TP.HCM đã đề ra các phương hướng hợp tác quan trọng với 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn 2024-2025. Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan của Thành phố và ĐBSCL nhằm xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết.

TP.HCM và ĐBSCL kiến tạo một vùng kinh tế năng động, hội nhập quốc tế - 1

Trọng tâm của hợp tác là xác định rõ các hoạt động cụ thể, bao gồm sản phẩm, dự án và thời gian thực hiện. Các nội dung triển khai sẽ được sơ kết và tổng kết định kỳ nhằm đánh giá kết quả, từ đó đề ra phương hướng thực hiện tiếp theo một cách hiệu quả và thực chất.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng. TP.HCM dự kiến phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương để đề xuất Chính phủ dành nguồn lực đầu tư cho các tuyến giao thông trọng điểm. Các dự án quan trọng bao gồm nâng cấp cao tốc TP.HCM - Trung Lương, xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, và phát triển tuyến đường ven biển kết nối TP.HCM với ĐBSCL.

Ngoài giao thông đường bộ, giao thông thủy cũng là lĩnh vực được chú trọng. Thành phố sẽ phối hợp với các tỉnh ĐBSCL cải tạo và nâng cấp các tuyến vận tải đường thủy hiện hữu, như tuyến TP.HCM – Bến Tre, TP.HCM – Cà Mau. Đồng thời, các công trình vượt tuyến như cầu Mỏ Cày tại Bến Tre cũng sẽ được nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn và thông suốt.

Hợp tác trong lĩnh vực y tế cũng mang ý nghĩa thiết thực khi TP.HCM tiếp tục hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện lớn trên địa bàn. Thành phố sẽ xây dựng mạng lưới điều trị ung thư và đột quỵ trong vùng, đồng thời phát triển nền tảng kết nối và liên thông dữ liệu y tế giữa các địa phương.

TP.HCM và ĐBSCL kiến tạo một vùng kinh tế năng động, hội nhập quốc tế - 2

Các dự án môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được đặt trong trọng tâm hợp tác. TP.HCM sẽ phối hợp bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, xây dựng hành lang đa dạng sinh học kết nối các khu vực quan trọng như Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Thạnh Phú và Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ. Bên cạnh đó, một trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc cũng được đề xuất.

Về kinh tế biển, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL sẽ chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững, đồng thời phối hợp trong công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ và ứng phó với thiên tai.

Những định hướng hợp tác này không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa TP.HCM và ĐBSCL mà còn mở ra các cơ hội lớn trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, và đầu tư. Hướng đi này được kỳ vọng sẽ mang lại sự thịnh vượng chung cho toàn khu vực trong tương lai gần.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thạch An

CLIP HOT