Họa mi thôi hót

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Họa mi thôi hót - 1

Phần lớn người dân Tiền Giang biết đến Trần Chính, bởi anh là một ca sĩ nổi tiếng từ hàng chục năm qua của vùng đất này. Anh có giọng trời cho, vừa đầm ấm, vừa khỏe khoắn, ca tân và ca cổ đều hay, từng nhận 2 huy chương Vàng khu vực về ca cổ vào năm 1977 – 1978, huy chương Vàng chuyên nghiệp toàn quốc về ca tân vào năm 1999. Một người đứng trên sân khấu được như anh cũng là mơ ước của nhiều người.

Cái hay, cái tài về sân khấu của anh không dừng lại ở đó. Anh còn có cái tài về sáng tác. Vài năm trước đây, anh đã cho xuất bản một tập thơ – ca cổ. Bây giờ lại tiếp tục cho ra một tập thơ – ca cổ mới. Xem thế cũng biết anh là người đa tài, đa năng.

Đọc thơ và ca những bài ca cổ của anh mới thấy anh yêu vùng đất Gò Công – Tiền Giang quê hương anh. Tình yêu ấy chân chất, đằm thắm, nồng nàn quá. Có lúc ta nghe được “từng hạt phù sa đôi dòng mặn ngọt đã bồi đắp cho quê hương em nên vóc nên hình” – (vọng cổ: Về quê em); Ta thấy cảnh ngày Tết thật vui tươi: “Én chao nghiêng trời rộng/Bướm vờn trên ngàn hoa/Tiếng ai ca vọng cổ/Cuối đồng xa ngân nga” – (Thơ: Tết quê); Có lúc ta bắt gặp một mối tình thật đẹp: “Nữ: Anh hổng thèm nói chuyện với em sao đứng đó làm chi như người rỗi công rỗi việc, thôi hãy về đi kẻo người khác…mong chờ/… Ai mà đo được lòng dạ của các anh, rộng như những dòng sông và mênh mông như biển cả. Em cứ trách sao mình quá tự tin, gởi tình yêu cho chàng trai bên sông nước, Để mang về nỗi buồn khi tàu sắp đi xa, rồi lại nghe lòng vui bồn chồn khi tàu vừa cập bến” (vọng cổ: Trên bến đò Tân Long). Có lúc ta bắt gặp đồng bưng: “Vẳng nghe con cúm núm/Ngân nga gọi bạn tình/ Âm thanh hòa theo gió/Hút cánh đồng mông mênh” – (thơ: Đồng bưng)… Trần Chính làm thơ, viết vọng cổ, thơ anh dường như để mà ca, lời cứ hiền lành, chân chất, ngân nga. Đọc lên thấy gần gũi, quê kiểng, đượm màu kỷ niệm. Lời vọng cổ cứ chân tình, thật thà, ấm đầm như tiếng của làng quê. Người ta nói “văn là người” ngẫm từ trường hợp này thấy đúng.

Họa mi thôi hót - 2

Nhà thơ Trần Chính

Dường như anh chỉ viết cho quê hương, nới đã nuôi anh lớn lên, cho anh có giọng ấm như hơi thở của đất, lại vút lên khỏe khoắn như được nâng từ gió, để anh trở thành một ca sĩ được nhiều người yêu mến. Anh viết về biển, về sông, về cánh đồng bát ngát, về một kỷ niệm ấu thơ, về chuyện tình đôi lứa, về người mẹ già, về một làng quê,… và như thế, anh đã làm một người kể chuyện bằng thơ, bằng vọng cổ, lại làm một “hướng dẫn viên du lịch” đưa người đọc, người ca đến với đất và người Tiền Giang, ở đó có những con người một nắng hai sương, tảo tần để làm nên những làng quê thanh bình, yên ả, làm nên những kỳ tích trong xây dựng và vóc dáng văn hóa của quê hương.

Anh làm thơ và viết cổ nhạc như để giãi bày, như để lấp dần những khao khát, khi nhận ra mình nếu chỉ làm anh ca sĩ thì vẫn chưa đủ, chưa nói hết được lòng mình. Vì thế mà phải viết.

Hay dở còn tùy theo kênh theo tạng của mỗi người. Với tôi, ca sĩ mà làm thơ, soạn lời ca cổ như “Họa mi thôi hót” là điều rất đáng quý.

Nhà thơ Lê Ái Siêm

Trần Chính

Hương trầu

Trầu xanh, vôi trắng, cau ngà

Đưa vào ống ngoáy của bà ngoại tôi

Miệng cười, tay vịn, tay nhồi

Ăn vào một miếng, thơm môi mặn nồng

Bà còn mỗi một chiếc răng

Mà sao bà cứ thích ăn trầu hoài

Tôi thường khéo nịnh bà tôi

Bà ơi! Son đỏ đôi môi bà rồi

Bà ăn trầu nữa… con nhồi

Để hương trầu cãi suốt đời theo con.

Họa mi thôi hót

Mặt trời xuyên kẽ lá

Ngàn cây giữ màn sương

Hoa rừng chen nhau nở

Bừng hương sắc mùa Xuân

Chim muông rủ bay về

Cùng thi nhau ca hát

Giao hòa bản tình ca

Hương rừng thêm bát ngát

Đứng lặng trên cành khô

Họa mi buồn không hót

Đầu ngẩng nhìn phương xa

Lệ buồn ươm khóe mắt

Đâu rồi thuở vàng son

Của một thời ca hát

Ai ngăn bước thời gian

Xóa nhòa bao thanh sắc

Dù Họa Mi thôi hót

Vẫn còn đó trong đời

Dư âm bản tình ca

Cho ngàn sau vọng mãi

 

 

Giọt phù sa

Có ai bước vội qua hè phố

Lướt thướt mưa chiều vương gót chân

Gió phất lùa mưa len vào tóc

Liêu xiêu một bóng khuất xa dần

Có phải người đi tìm dĩ vãng

Một thời xa ấy – thuở đam mê

Sông Tiền vẫn chảy cùng năm tháng

Sao giọt phù sa quên lối về

Người như con nhện xây tổ ấm

Cành vàng không chọn, vướng cành khô

Để gió vụt tơ lay đổ

Cuốn mất đi rồi một ước mơ

Lá vẫn đêm đêm chờ sương xuống

Sao nắng ban mai lấp lánh buồn

Cứ ngỡ lòng quên rồi kỷ niệm

Như lá me bay phủ lối mòn

Trở lại đường xưa tình trỗi dậy

Mỹ Tho mấy độ vẫn trăng chờ

Mưa gió có làm hoen kỷ niệm

Một trái tim son trọn ước thề

T.C

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT