Hải Phòng với Năm Du lịch quốc gia 2013

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng sản phẩm du lịch

Tại buổi họp báo vừa qua tại Hà Nội, BTC Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013 cho biết, các hoạt động này sẽ được tổ chức lồng ghép với các sự kiện của vùng và TP. Hải Phòng trong năm 2013, đồng thời góp phần mở rộng không gian liên kết giữa các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Và, các hoạt động này đều được đầu tư xây dựng kịch bản, chương trình cũng như xác định thời gian, địa điểm, cơ quan chủ trì, đối tượng tham gia… với tính chất điểm nhấn và sức lan tỏa rộng. Theo đó, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo hoặc phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức 22 sự kiện; riêng TP. Hải Phòng tổ chức 12 sự kiện với các hoạt động nổi bật như lễ công bố, lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2013…; và 32 sự kiện do các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Hồng tổ chức.

Với vai trò là địa phương đăng cai tổ chức, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hình ảnh TP. Hải Phòng nói riêng và công tác chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia nói chung, Hải Phòng còn tiến hành lắp đặt các biển quảng cáo tấm lớn để quảng bá tại các cửa ô và trung tâm TP và tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế như Hội chợ Du lịch Thailand Travel Mart Plus (TTM Plus), festival Huế… Đồng thời, Hải Phòng cũng đã đề nghị một số tổ chức quốc tế, thành phố kết nghĩa tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao du lịch, quảng bá xúc tiến cho Năm Du lịch quốc gia 2013. Đặc biệt, Năm Du lịch quốc gia sẽ được quảng bá rộng rãi tại Nhật Bản, Pháp.

Để khẳng định quyết tâm tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, Hải Phòng không chỉ xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch của Năm Du lịch quốc gia mang đặc trưng riêng mà còn đẩy mạnh mối liên kết để trao đổi khách du lịch giữa các địa phương trong khu vực với nhau bằng việc tổ chức triển khai và xây dựng hàng loạt các chương trình khảo sát nhằm mở rộng tour tuyến liên vùng, tiến hành nâng cấp các sản phẩm, chương trình du lịch hiện có, đầu tư cải tạo, nâng cấp về vấn đề vệ sinh môi trường và chất lượng dịch vụ... Ngoài ra, Hải Phòng còn hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp hình thành các nhóm sản phẩm gắn nhãn mác “Sản phẩm đặc biệt Năm Du lịch quốc gia 2013”.

Hải Phòng với Năm Du lịch quốc gia 2013 - 2

Đầu tư cho hạ tầng và cơ sở vật chất

Thời gian qua, Hải Phòng ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển hoạt động du lịch. Và, không ngừng tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, nâng cấp, cải tạo cảnh quan đô thị, trùng tu các khu du lịch trọng điểm, các di tích quan trọng nhằm mở rộng phạm vi tham quan cũng như chấn chỉnh các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch như: Cải tạo, chỉnh trang dải trung tâm thành phố, trồng bổ sung vườn cây Phượng, nâng cấp sân bay Cát Bi, Bảo tàng Hải Phòng và nâng cấp các tuyến đường du lịch trọng điểm; triển khai Dự án xây dựng quảng trường biển tại khu 1 Đồ Sơn; hoán cải, nâng tốc độ, đầu tư bổ sung các phà từ Đình Vũ đi Cát Bà. Đồng thời, đang khẩn trương chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất để sẵn sàng đón khách, phục vụ du khách trong mùa cao điểm và những lễ hội lớn. Đặc biệt là việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Hải Phòng cũng đang thuê tư vấn Nhật Bản lập quy hoạch phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, Hải Phòng còn tiến hành bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực du lịch, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý tốt để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng sự hài lòng của du khách. Từ đầu năm 2012 đến nay, Sở VHTTDL Hải Phòng đã tổ chức 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 100 hướng dẫn viên tại các điểm du lịch; phối hợp với các trường đại học trên địa bàn thành phố tuyển chọn hơn 300 tình nguyện viên từ những sinh viên có kiến thức về văn hóa, ngoại ngữ để đào tạo, tập huấn nghiệp vụ du lịch và kỹ năng giao tiếp. TCDL đã hỗ trợ Hải Phòng mở lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, quản trị doanh nghiệp, makerting du lịch… cho đội ngũ giám đốc, chủ các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ. Đồng thời, Sở VHTTDL Hải Phòng còn chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ cho cán bộ nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, Phó Trưởng ban Thường trực BTC Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - 2013 Lê Khắc Nam, dự kiến, kinh phí mà TP tham gia tổ chức sự kiện Năm Du lịch quốc gia là khoảng 50 tỷ đồng, trong đó nguồn từ ngân sách 20 tỷ đồng, còn lại huy động từ xã hội hóa.

Về vấn đề quản lý giá cả dịch vụ tại các khu du lịch, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng như công an, thanh tra VHTTDL... tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng “chặt chém”, chèo kéo du khách tại các khu du lịch như: Cát Bà, Đồ Sơn… nhất là dịp 30/4. 2/9. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở dịch vụ, khách sạn niêm yết giá không chỉ trong Năm Du lịch quốc gia 2013 mà cả các năm tiếp theo.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực, cố gắng tích cực cho Năm Du lịch quốc gia 2013, Hải Phòng sẽ tạo ra cú hích trong xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch thành phố với một diện mạo mới, hình ảnh mới, thân thiện, văn minh, lịch thiệp.

Trên toàn TP. Hải Phòng, hiện có hơn 300 khách sạn xếp hạng sao với 7.500 phòng cùng nhiều nhà nghỉ đang được chỉnh trang, nâng cấp để sẵn sàng đón, phục vụ khách du lịch trong mùa cao điểm và những lễ hội lớn.
“Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 là cơ hội tốt để xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa, thiên nhiên của TP. Hải Phòng nói riêng và các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung. Đồng thời là cuộc vận động lớn của TP. Hải Phòng nhằm góp phần tạo sự đồng thuận, làm chuyển biến nhận thức đối với các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa ngành Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. (Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên)

P.V

(Báo Du lịch Việt Nam, số 44, từ ngày 8/11 đến ngày 14/11/2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT