HÃY BIẾT ĂN MỠ ĐỂ LUÔN KHOẺ ĐẸP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 
 Không phải ngẫu nhiên mà giữa những mâm cao cỗ đầy ngày Tết, món “thịt mỡ dưa hành” lại được ông cha ta từ ngàn xưa tôn vinh là món khoái khẩu, để nhâm nhi đối ẩm ngâm vịnh ngày Xuân. Thịt mỡ với Dưa hành không phải chỉ là sự kế thừa những thói quen tập tục của nhà nông vốn quanh năm “đầu tắt mặt tối”, ăn uống kham khổ tằn tiện, mà còn là sự kết hợp hài hoà khẩu vị và màu sắc trong nghệ thuật ẩm thực; là sự phối ngẫu định mệnh làm tiền đề sinh sôi những giá trị dinh dưỡng nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn

Vậy mà, bây giờ nhiều người chỉ mới nghe đến “thịt mỡ” đã lắc đầu lè lưỡi, như là nghe thấy “tử thần” xuật hiện. Nguyên do là vì ở đâu cũng nghe nói “mỡ máu tăng cao”, “gan nhiễm mỡ”, “xơ mỡ động mạch” v.v.. Mỗi lần đi khám bệnh thì thường vẫn được nghe thầy thuốc khuyến cáo “kiêng ăn thịt mỡ” để phòng bệnh tim mạch và tai biến. Nói như thế là đúng và sợ như vậy cũng quá đúng. Nhưng rồi sẽ sống ra sao, ăn uống ra sao cho đến hết đời khi mà đến bữa ăn nào cũng phải kiềm chế, gặp món ăn nào cũng phải “ngoảnh mặt làm ngơ”. Đến nỗi có khi bệnh tật chưa thấy đâu, đã thấy chuyện kiêng khem thèm muốn mỗi ngày làm cho xì-trét (stress), những lo âu nín nhịn làm cho ngọc thể mệt mỏi hư hao. Nghĩa là chât lượng sống giảm đi. Mà như vậy là đi ngược lại xu thế phấn đấu nâng cao chất lượng sống (quality of life-QoL) của con người mà Tổ chức Y tế thế giới WHO và các tổ chức xã hội nhân văn khác đang định hướng và dẫn dắt trên toàn cầu. Vậy thì phải làm thế nào để có thể bảo vệ sức khoẻ, phòng chống bệnh tật mà vẫn có thể yên tâm thưởng thức những cao lương mỹ vị khoái khẩu suốt đời.

HÃY BIẾT ĂN MỠ ĐỂ LUÔN KHOẺ ĐẸP - 1

Thật đáng tiếc là sự kiêng khem theo kiểu “vơ đũa cả nắm” trong ăn uống là tự làm khổ mình vô lối. Đặc biệt phổ biến là là sự gồng mình tẩy chay ăn mỡ. Cũng như mọi thứ trong tự nhiên, mỡ trong tự nhiên cũng có mỡ có hại và mỡ có lợi. Và mỡ trong cơ thể người cũng như con người, có mỡ tốt và mỡ xấu. Nêu biết được mỡ nào có hại mỡ nào có lợi thì người ta vẫn có thể ăn uống thoải mái khoái khẩu mà vẫn khoẻ đẹp như thường.

Mỡ trong thực phẩm

Đây là dạng mỡ tự nhiên có sẵn trong thức ăn mà ta ăn hàng ngày. Luợng mỡ vào qua đường ăn uống chỉ chiếm khoảng 25 % tổng lượng mỡ trong cơ thể. Và không phải tất cả mỡ chúng ta ăn đều có hại cho sức khoẻ. Loại mỡ gồm các a-xít béo chưa bão hoà (chứa những mối liên kết đôi trong công thức hoá học) như omega-3 rất tốt và rất cần cho cơ thể. Đây là những a-xiat béo mà cơ thể không tự tổng hợp được, phải cung cấp từ bên ngoài. Omega-3 gồm 3 loại a-xít béo chính là DHA (docosahexaenoic acid), ALA (a-linoleic acid) và EPA (eicosapentaenoic acid). Omega-3 có nhiều lợi ích cho sức khoẻ như: Giảm lượng mỡ xấu trong máu, ngăn cản sư lắng đọng các chất mỡ xấu ở thành mạch máu, chống loạn nhịp tim, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, cân bằng đường máu, làm vết thương mau lành, ngăn ngừa bệnh dị ứng, chống trầm cảm, ngăn ngừa các bệnh khớp, bệnh tâm thần, ung thư. Đặc biệt, còn có nhiều lợi ích cho sắc đẹp như: ngăn cản quá trình lão hoá, làm trẻ hoá da… Các thực phẩm chứa nhiều omega-3 là các loại cá béo (như cá hồi, cá mòi, cá ngừ …), các loại dầu cá, dầu thực vật, các loại rau sẫm, các loại quả hạt như đậu ván, đậu Hoà Lan, quả hạch, quả óc chó, hạt lanh, các loại tảo, v.v… Hội Tim Mạch Hoa Kỳ khuyên nên ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần. Thực đơn bữa ăn gồm chủ yếu rau cá như của người Nhật là một hình mẫu nên theo. Tuy nhiên cần chú ý cơ quan quản lý Thuốc và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA và Viên Hàn lâm Nhi khoa Mỹ đã khuyến cáo mọi người đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú sữa… cần hạn chế ăn các loại cá có chứa thuỷ ngân như cá mập, các kiếm, cá thu v.v… Ngoài thực phẩm chúng ta cũng có thể bổ sung omega-3 từ nguồn chế phẩm dầu cá và dạng thực phẩm chức năng. Nhưng với thực phẩm chức năng phải hết sức thận trọng, cảnh giác với những quảng cáo quá mức thiếu khoa học. Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ đã cấm các công ty thực phẩm chức năng quảng cáo những gì chưa được chứng minh một cách khoa học.

HÃY BIẾT ĂN MỠ ĐỂ LUÔN KHOẺ ĐẸP - 2

Mỡ trong cơ thể

Ngoài việc tham gia vào thành phần cấu tạo các cơ quan của cơ thể, mỡ còn tồn tại trong cơ thẻ dưới hai dạng mỡ ở các mô mỡ và mỡ trong máu. Tỉ trọng mỡ bình thường trong cơ thể người trung bình nữ 21-24 mg%, nam 14-17%. Nếu nữ trên 30 % - nam trên 25 % là béo phì. Mô mỡ là tập hợp của các tế bào mỡ. Mỡ dự trữ ở các mô mỡ của cơ thể vừa là nguồn năng lượng dự trữ vừa là lớp mô đệm đỡ. Lớp mỡ dưới da ngoài những chức năng sinh lý còn đóng vai trò cô cùng quan trọng tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ ngoại hình. Chính lớp mỡ tạo nên cảm giác êm mát, mềm mại của da và những khối mô mỡ là thành tố quan trong tạo nên những đường cong của cơ thể. Sức hấp dẫn sexy của 3 vòng trên cơ thể người phụ nữ là do mô mỡ tạo nên. Và đáng buồn thay, cũng chính mô mỡ khi dư thừa sẽ tích tụ phì đại làm cho vóc dáng người phụ nữ không còn phân biệt nổi 3 vòng, trở nên “thon thon hình vại, thoai thoải hình chum”.

Mỡ máu: là lượng mỡ (lipid) lưu hành trong dòng máu của của cơ thể, gồm có cholesterol, triglyceride. Người ta thường nghĩ Cholesterol liên quan đến việc ăn thức ăn có mỡ nhưng như đã nói ở trên, thực ra 75% Cholessterol lưu hành trong máu là do cơ thể sản tự sản xuất tại gan, chỉ 25% vào cơ thể từ thức ăn. Tất nhiên là Cholesterol có vai trò quan trọng trong cơ thể, nhưng khi tăng cao trong máu nó gây nhiều bện lý cho hệ tim mạch. Cholesterol trong máu cao hầu như không gây ra triệu chứng gì để nhận biết nhưng rất may là có thể đo lường phát hiện dễ dàng bằng các xét nghiệm đơn giản. Và các nhà khoa học thế giới khuyên người ta nên kiểm tra mức độ cholesterol máu từ tuổi 20.

HÃY BIẾT ĂN MỠ ĐỂ LUÔN KHOẺ ĐẸP - 3

Có Cholesterol “tốt” và Cholesterol “xấu”. Loại xấu là loai Cholesterol tỉ trọng thấp LDH, kết hợp với các chất khác lắng đọng ở thành mạch máu gây hẹp lòng mạch. Trong máu còn có loại cholesterol rất xấu (VLDL) là những tiên thân của LDL. Khi LDH trong máu tren 100 mg/l là có nguy cơ cho tim mạch. Cholesterol “tốt” là loại có tỉ trọng cao HDL có công dụng ngăn chặn sự lắng đọng cholesterol xấu ở thành mạch máu. Tỉ lệ DHL trong máu càng cao càng tốt. Khi năng lương dư thừa, mỡ, đường biến đổi thành triglycerides luu hành trong máu và luu trữ trong các tế bào mô mỡ. Những người béo mập, ít hoạt động , người hút thuốc và uống rượu và những người ăn nhiều đạm sẽ có tỉ lệ triglycểids máu cao. Nếu cao trên 150 là có những rối loạn chuyển hoá và nguy cơ dẫntới bênh tim mạch và tiểu đường.

Tổng của các loại đó hình thành chỉ số Cholesterol máu toàn phần. Nếu Cholesterol toàn phần ở mức 200 là an toàn cho sức khoẻ. Lương Cholesterol trong cơ thể bắt nguồn từ chính cơ thể và thức ăn nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như di truyền, giới tinh,tuổi tác… Cholesterol cũng tăng do chế độ ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hoà và Cholesterol như ăn thực phẩm có nguồn gốc động vật (thịt, trứng, sữa). Khi người ta già đi, Cholesterol máu cũng tăng cao.

Phụ nữ trẻ thường có mức Cholesterol tốt nhiều hơn và loại xấu ít hơn so với nam giới. Nhưng khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh thì diễn biến ngược lại. Ngay cả ở trẻ em và lứa tuổi teen cũng được Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo kiểm tra mỡ mau 5 năm 1 lần và phải điều trị ngay khi Cholesterol toàn phần ở mức từ 170 trở lên. Cholesterol máu cao là nguyên nhân gây bệnh alzeimer’s, gây xơ vữa lòng mach, dẫn đến hẹp tắc mạch vành, mạch não gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tăng Cholesterol máu. Nên ăn nhiều ngũ cốc và các thức ăn có nguồn gốc thực vật, thức ăn chứa nhiều chất xơ, nhất là những chất xơ hoà tan có nhiều trong ngũ cốc, hoa quả, rau đậu. Mặt khác, các nghiên cứu cho thấy Cholesterol từ thức ăn chỉ là phần nhỏ trong tổng mức Cholesterol máu nên những những loại thức ăn có chứa nhiều Cholestrerol như trứng, tôm, nhất là tôm hùm… không còn bị kiêng cữ hoàn toàn. Chính chế độ ăn nhiều đạm, tinh bột sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu để tổng hợp thành mỡ dự trữ trong cơ thể (Triglycerides), làm tăng lương mỡ toàn phần trong cơ thể. Vì vậy các nhà khoa học cũng khuyên dùng bữa ăn hạn chế tinh bột, hạn chế thịt đỏ. Các loại thịt trắng (như thịt gà) thì có thể ăn thoải mái nhưng không nên ăn da và hạn chế chiên nướng.

Như vậy chúng ta vẫn có thể tham dự mọi cuộc liên hoan ăn uống và có thể ăn vô tư những món phù hợp với tình trạng sức khoẻ của chúng ta. Để ngăn ngừa và chống bệnh tật, chỉ cần chúng ta điều chỉnh thói quen: thứ nào không có lợi mà thấy thèm ăn thì cứ việc ăn nhưng ăn hạn chế; thứ nào có lợi cho sức khoẻ, cho sắc đẹp thì cố gắng ăn càng nhiều càng tốt. Không cần phải kiêng cữ tuyệt đối thứ gì cả, kể cả các loại mỡ. Hãy ăn uống một cách hiểu biết và khoa học để vẫn được ăn ngon thoả mãn sở thích riêng mà không lo “thần khẩu hại xác phàm”.

C.N.B

Bác sĩ Cao Ngọc Bích

Phó Chủ tich Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.Hồ Chí Minh

Trưởng Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bênh viện An Sinh

Giám đốc Viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Nhật Phương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT