DU LỊCH ĐĂK LĂK VÀ NHỮNG LỄ HỘI ĐẶC SẮC

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

DU LỊCH ĐĂK LĂK VÀ NHỮNG LỄ HỘI ĐẶC SẮC - 1     

Rộn ràng ngày hội voi

Hội voi được tổ chức 2 năm 1 lần vào tháng 11 tại Buôn Đôn, những đàn voi từ các buôn xa, gần kéo về dự hội rất náo nhiệt. Những lán trại mọc lên san sát cho các chủ voi từ các buôn làng xa đến tá túc sớm, để chuẩn bị cho ngày hội đua voi. Sân đua là một bãi đất rộng, chiều dài khoảng 400-500 m, chiều rộng đủ cho 30 con voi đứng xếp hàng.

Đến giờ chuẩn bị vào cuộc đua, các nài voi cho voi đứng xếp hàng ngay ngắn ở điểm xuất phát. Sau một hồi tù và cất lên vang dậy cả núi rừng, thì cũng là lúc các chú voi tiến thẳng về phía trước trong tiếng cồng chiêng và tiếng reo hò, cổ vũ của mọi người. Cuộc đua được tiến hành dưới sự điều khiển của các nài voi với nhiều hình thức thi như: chạy tốc độ, kéo cây, ném gỗ, vượt sông… Sau cuộc thi, tấc cả các “vận động viên voi” đều được thưởng thưởng mía, chuối… Riêng chú voi thắng cuộc đeo một vòng nguyệt quế và được thưởng rất nhiều thức ăn ngon.

Ngày hội đua voi diễn ra cũng là dịp để các chủ voi, nài voi trổ tài thi thố về khả năng thuần dưỡng voi của mình. Bên cạnh đó, lễ hội đua voi là một trong những lễ hội truyền thống mang sắc thái của dân tộc Tây Nguyên mà hiếm nơi nào có được.

 

Lễ ăn trâu

Trong các lễ hội ở Tây Nguyên không thể thiếu lễ ăn trâu. Cột nêu buộc trâu được trang trí với nhiều hoa văn và biểu tượng, tượng trưng cho quyền lực của Yàng. Người được cử đâm trâu là chàng trai giỏi giang trong buôn làng, đâm một lao phải trúng tim con vật, đó là điềm lành. Mọi người trong buôn cùng nhau sẻ thịt, cùng ăn, cùng uống rượu cần bên tiếng cồng chiêng, cuộc vui kéo dài từ 6-7 ngày.

 Lễ ăn cơm mới


DU LỊCH ĐĂK LĂK VÀ NHỮNG LỄ HỘI ĐẶC SẮC - 2

Ngày xưa, người Êđê, M’nông sống dựa vào nương rẫy, chăn nuôi và săn bắt thú rừng. Hàng năm, cứ đến tháng sáu, tháng bảy là những tháng đói giáp hạt nên người dân thường phải vào rừng tìm củ sắn, củ mài mang về ăn thay cơm. Khi lúa trên nương chín vàng rực thì người dân vui mừng đi tuốt lúa về. Lễ ăn cơm mới của người M’nông thường diễn ra vào tháng 11 hàng năm. Gạo để dùng trong lễ ăn cơm mới lấy từ những hạt lúa vừa chín tới, gạo hơi nát nhưng có mùi rất thơm. Bữa ăn cơm mới phải ăn với các thức ăn ngon như: chim, cá, gà, lợn…

 

Lễ trưởng thành

Đây là lễ trưởng thành của người Êđê, để xác nhận chàng trai đã trở thành người lớn. Buổi lễ được tổ chức tại nhà của các chàng trai. Nhiều nghi lễ mang đậm tính dân tộc được tiến hành long trọng cùng với sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ và kể chuyện dân gian.

 Văn hóa Cồng Chiêng

Khi gió rừng tràn về là lúc mùa màng thu hoạch xong. Mọi nhà, mọi buôn chuẩn bị mừng lễ hội. Từ đặt tên cho đứa bé, cho đến lễ trưởng thành, trao vòng đính hôn… đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng.

 

DU LỊCH ĐĂK LĂK VÀ NHỮNG LỄ HỘI ĐẶC SẮC - 3

Chiêng cồng không chỉ để giao lưu với thần linh, thông tin đến mọi người trong buôn làng, mà còn là tâm hồn của người Tây Nguyên đầy trữ tình và cháy bỏng khát vọng yêu cuộc sống.

Chiêng Tây Nguyên bao giờ cũng có bộ, mỗi dân tộc có một bộ chiêng khác nhau, dàn chiêng Êđê có từ 7-10 chiếc. Chỉ cần nghe âm điệu là biết ngay nơi đó có việc gì đang diễn ra, chiêng bỏ mả chầm chậm như tiếc thương, chiêng đán cưới rộn ràng, chiêng cúng bái trang trọng ngân nga… Cồng, chiêng đã trở nên thân quen trong cuộc sống của đồng bào dân tộc. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới (25.11.2005).

 

Lễ bỏ mả

Người dân Tây Nguyên không có tục thờ cúng tổ tiên, nên khi người chết được một năm hat đến ba năm thì người thân trong gia đình làm lễ bỏ mả. Ngôi mộ được xây cất kỹ lưỡng, dựng lên một ngôi nhà đẹp để che mưa che nắng, quanh mồ được trang trí bằng các tượng gỗ có hàng rào xung quanh. Lễ bỏ mả diễn ra rất long trọng và trang nghiêm, để đưa linh hồn người chết về với Tổ Tiên, Ông Bà.

 

Lễ hội lúa mới của người Thái

Người Thái làm Lễ hội lúa mới để cảm tạ trời đất, ông bà tổ tiên đã cho một mùa màng bội thu, lúa đầy đồng, cây trái xanh tươi và cầu mong năm tới mưa thuận gió hòa, được mùa, người người sức khỏe, xóm làng yên vui. Tại Lễ hội, có nhiều nội dung mang đậm nét văn hóa dân tộc Thái với các nghi thức cầu mùa, diễn tấu cồng chiêng mừng lễ hội, múa mừng lúa mới; các trò chơi dân gian: giã gạo, chọi đá, bắn nỏ, ném còn, ném cù, bóng chuyền…

Đặc biệt thu hút du khách là hội ẩm thực làm các món ăn truyền thống của dân tộc như: khẩu nướng (xôi), khẩu lam (cơm lam), khẩu hàn (cốm), chỉn giáng (thịt bò xông khói), tải pơ cooc (bò tái trộn lá chua), rượu cần…

(Nguồn: Trung tâm Xúc tiến - Thương mại – đầu tư – Du lịch tỉnh Đăk Lăk)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT