Du lịch Bạc Liêu, đường băng mới đã mở

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du lịch Bạc Liêu, đường băng mới đã mở - 1

Chùa Xiêm Cán

Nghị quyết 02-NQ/TU (6/2011) mà Tỉnh ủy Bạc Liêu đưa ra, hướng đến sự thay đổi về chất, với kỳ vọng đưa Ngành Du lịch Bạc Liêu thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đường băng mới đã mở…

“Huy động toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển du lịch và dịch vụ du lịch, với phương châm “Người người làm du lịch, Nhà nhà làm du lịch” gắn với việc thu hút, mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nước ngoài…” – Nghị quyết 02-NQ/TU, tỉnh Bạc Liêu.

Bật dậy tiềm năng

Đêm xuống, Khu Du lịch Hồ Nam làm Bạc Liêu như sống động, huyền ảo hơn. Ánh đèn lồng giăng mắc, hắt xuống lấp lánh 12ha mặt nước bao quanh khu ẩm thực, nơi có trên 700 món ăn độc đáo Âu – Á và Việt Nam. “Thực đơn có cả…tôm hùm Alaska. Đúng là về đất “Công tử” rồi. Hồ Nam như “ốc đảo xanh bên Singapore vậy”, anh bạn nhận xét. Nằm ngay trong Thành phố, tổ hợp này rộng đến 22ha bao gồm nhiều dịch vụ (nhà nghỉ, hồ bơi, karaoke, du thuyền, resort, spa, khu vui chơi trẻ em…). Với 35 tỷ đồng, giai đoạn 1 đã hoàn thành và tiếp tục đầu tư 65 tỉ đồng cho giai đoạn 2 với nhiều hạng mục lớn như: khu trung tâm hội nghị, tiệc cưới có sức chứa gần 3.000 người, 2 sân tennis, 2 sân bóng đá mini, khu nhà nghỉ dưỡng mang thương hiệu Công tử Bạc Liêu… mới đưa vào khai thác từ tháng 10/2011, Khu Du lịch mang nét hiện đại hòa trộn truyền thống này đã trở thành điểm nhấn, góp phần quan trọng khiến Bạc Liêu vụt thay đổi diện mạo.

Bạc Liêu là tỉnh giáp với Cà Mau, “tận cùng phương Nam” lại cách xa các trung tâm (cách TP. HồChí Minh hơn 300km, Cần Thơ hơn 100km) nhưng từ khi có Nghị quyết 02-NQ/TU đến nay, đã có bước chuyển rất tích cực, đáng ngạc nhiên. “Kêu gọi đầu tư hiệu quả, tạo ra được sản phẩm mới giúp nơi này nhanh chóng trở thành điểm sáng”, Ông Phạm Phước Như - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL còn nhấn mạnh: Bạc Liêu nằm trong số ít các địa phương trong vùng ra Nghị quyết riêng về du lịch.

6 tháng đầu năm 2012, lượng khách nội địa và quốc tế đến với Bạc Liêu tăng 40 - 50% so cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2011, hơn 273 ngàn lượt du khách, trong đó có 9.400 du khách nước ngoài).

Dự án Khu Du lịch Công tử Bạc Liêu liên kết cùng Saigontourist trị giá hàng trăm tỷ đồng bắt đầu triển khai ngay từ cuối năm 2011, hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch trọng điểm của cả khu vực ĐBSCL. Ông Trần Văn Lâm - Giám đốc Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Bạc Liêu, cho biết: Hiện đang thiết kế thi công Khu nhà Công tử Bạc Liêu, nhà Huyện Sổn và cụm nhà hàng; khu nhà hàng Công tử Bạc Liêu được đầu tư, nâng cấp thành khu ẩm thực Nam bộ. Giai đoạn II, sẽ xây dựng khách sạn 4 sao, với 120 đến 150 phòng. “Tất cả sẽ được phục chế nguyên bản”, Ông Lâm cho biết thêm.

Anh bạn đi cùng thông báo có nhiều nhà đầu tư “khủng”, đã chọn đất lành Bạc Liêu, trong đó có dự án Khu vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Địa Cầu làm chủ đầu tư, sẽ thực hiện trong Công viên Trần Huỳnh, Phường 7 (TP. Bạc Liêu)…

Du lịch Bạc Liêu, đường băng mới đã mở - 2

Trong Khu Lưu niệm cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Sâu lắng Bạc Liêu

Trời lất phất mưa trong Khu Lưu niệm cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khói nhang bay bay trước mộ người nghệ sĩ tài hoa. “Chàng là chàng có hay/Đêm thiếp nằm luống những sầu tây…”. Chợt nhớ, từ nhiều năm trước những ca từ da diết đó, đã khiến một Nghiên cứu sinh người Mỹ làm luận văn Tiến sĩ về Cải lương Nam bộ, lặn lội về tận đây thắp nhang cho cụ, người đã tạo ra một trong những bản “nhạc lòng” (bản Dạ cổ Hoài lang) bất tử nhất về nghĩa vợ tình chồng cho nền nghệ thuật nước nhà.

Đã hơn 90 năm kể từ khi sáng tác, bài ca vua, “cái gốc của vọng cổ, cải lương” này dù biến hóa thiên hình về nhịp điệu vẫn quấn chặt lấy hồn Việt, sức sống Việt, vẫn sống mãi trong tâm thức Việt. Nhìn nét say sưa của Chúc Ly, Diễm Hương, hai cô Thuyết minh trong khu lưu niệm càng thấy tấm lòng của lớp cháu con đối với di sản văn hóa cha ông và niềm tự hào Bạc Liêu. Tất cả đang nỗ lực hòa vào ước muốn của người nghệ sĩ “Đứa con riêng của tôi, đứa con chung của quý vị sẽ được nuôi dưỡng, săn sóc với tất cả tấm lòng yêu chuộng bản Hoài Lang hay bản Vọng cổ…”. Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bạc Liêu, Ông Nguyễn Vũ tâm sự: Hàng năm tại đây đều diễn ra Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” (13 – 15/8Al) cùng giao lưu Đờn ca Tài tử, biểu diễn nghệ thuật…

Những tiếng thét kinh hoàng, vang dội đồng sâu của anh em ông Mười Chúc là sự kiện chấn động đất Nam bộ những năm đầu thế kỷ trước, đẩy vụ án Đồng Nọc Nạn lan xa khắp lục tỉnh. Người dân nơi đây luôn hào sảng, trọn nghĩa vẹn tình nhưng cũng đầy kiên trung, nghĩa khí. Tinh thần đó được thấy rõ lắm qua khu di tích rộng 3ha với nhiều hạng mục. Sự đa dạng trong văn hóa Kinh – K’hmer – Hoa cũng tạo ra nhiều nét văn hóa rất đặc sắc, quyến rũ du khách…

Bên cạnh tài nguyên nhân văn sâu lắng, Bạc Liêu đang khai thác nhiều nguồn tài nguyên khác với các loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch vườn, du lịch tâm linh tín ngưỡng…

Du lịch Bạc Liêu, đường băng mới đã mở - 3

Khu Quán âm Phật đài

Điểm nhấn & sự khác biệt

Các nhà đầu tư đổ về Bạc Liêu gần đây không chỉ cho thấy tiềm năng của vùng đất này, mà còn minh chứng Bạc Liêu đang “trải thảm đỏ” khuyến khích ưu đãi đầu tư rất cụ thể (ưu đãi về đất, thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhanh, cải cách thủ tục hành chính…). Nghị quyết 02-NQ/TU thể hiện ý chí mạnh mẽ, quyết tâm rất lớn về du lịch và chiến lược cụ thể cho phát triển du lịch của cấp lãnh đạo địa phương. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng, tạo đột phá giúp du lịch chuyển biến mạnh mẽ hơn.

“Đường băng đã mở”, nhưng để tấp nập hơn vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, đặc biệt là chất xám, tính chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên môn. Do hạn chế phần nào bởi địa lý (cách xa các trung tâm), muốn du khách phải “ngoái nhìn”, Bạc Liêu cần tạo thêm các điểm nhấn mới, những “Hồ Nam” mới. Và đó phải là những công trình độc đáo, mang tính khác biệt, chỉ có và đậm đà bản sắc riêng của mình.

Du lịch Bạc Liêu, đường băng mới đã mở - 4

Đồng bằng châu thổ đến nay, thật tiếc, vẫn chưa có những sự kiện lớn, tạo được sự quan tâm đặc biệt cho du khách như “Đêm hội pháo hoa” (Đà Nẵng), Festival Huế hay Vịnh Hạ Long. Một Festival Đờn ca Tài tử Bạc Liêu? Tại sao không khi nơi đây sản sinh ra “bài ca Vua” và loại hình Đờn ca Tài tử, đặc sản văn hóa phương Nam đang được trình lên UNESCO xem xét trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Khi đó, tầm vóc của sự kiện chắc chắn sẽ đưa Bạc Liêu vươn xa, hòa nhập hơn với dòng chảy văn hóa thế giới, đồng hành với sự gia tăng lượng khách.

Vì sao mảnh đất này từ năm 1882, vị quan chủ tỉnh Lamothe de Carrier đã báo với Thống đốc Nam kỳ rằng: "Trong tương lai sẽ nhanh chóng trở thành Thành phố lớn nhất của Nam kỳ, sau Sài Gòn”? Điều này sẽ sống lại qua việc trùng tu, bảo tồn hàng chục ngôi nhà cổ (Phủ thờ dòng họ Cao Triều, Thư viện tỉnh Bạc Liêu nguyên là của Ông Trần Văn Chương, thân sinh bà Trần Lệ Xuân, vợ cố vấn Ngô Đình Nhu, nhà luật sư Lý Bình Huê…) có tuổi đời gần trăm năm mang phong cách kiến trúc Pháp? Cân nhắc, khai thác có chọn lọc cụm từ đã thành thương hiệu “Công tử Bạc Liêu” để tránh trùng lắp, phai lạt sản phẩm. “Một ngày làm Diêm dân” chắc chỉ có ở Bạc Liêu?

Hàng loạt dự án, quy hoạch du lịch đang được Bạc Liêu quyết liệt “xới lên”. 1,8 tỷ đồng cho đề án bảo tồn nhãn cổ (1.189 cây nhãn cổ) gắn với phát triển du lịch. Sẽ có nhiều thêm những “Đêm Gành Hào” thú vị, làm 56 km bờ biển và du lịch biển không dừng lại ở tiềm năng khi nâng cấp, đầu tư đúng tầm cho Khu Quán âm Phật đài, cụm Nhà Mát và xây mới các khu dịch vụ, nghỉ dưỡng phục vụ du khách tham quan công trình điện gió “độc nhất vô nhị’ châu thổ Cửu Long…

Trên 90 năm bản Dạ cổ Hoài lang tuy biến hóa, phát triển nhưng vẫn không xa rời bản gốc, vẫn lớn lên không ngờ. Phát triển du lịch theo hướng hiện đại song hành với lưu giữ, phát huy bản sắc địa phương, dân tộc là điều mà Bạc Liêu đang hướng đến.

V.T.N

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT