DẠO QUANH QUẦN ĐẢO BAHAMAS

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vân Long

DẠO QUANH QUẦN ĐẢO BAHAMAS - 1Từ máy bay đạp chân xuống mặt đất, du khách dễ sửng sốt trước những cảnh quan kỳ mỹ của vùng biển Bahamas màu lam ngọc. Những đụn cát vàng óng chạy dài ngút ngàn, những mảng tảo trôi vật vờ và những rặng san hô lởm chởm, những con tàu lướt sóng đưa du khách đến New Providence và Grand Bahama, hai hòn đảo đông dân nhất. Cộng đồng thịnh vượng Bahamas, hay quần đảo Bahamas là một quốc gia nói tiếng Anh tại Tây Ấn. Bahamas nằm trong Đại Tây Dương, ở phía Đông Hoa Kỳ, phía bắc Cu Ba và vùng Caribe, phía tây lãnh thổ phụ thuộc Anh. Bao gồm 700 hòn đảo, quần đảo Bahamas dường như trải rộng đến vô tận với khoảng một trăm đảo có người ở. Mỗi đảo có một vẻ quyến rũ riêng biệt

Đầu tiên là đảo New Providence, trước kia là sào huyệt của những tên cướp biển. Thủ phủ Nassau còn đứng trơ thành lũy Charlotte với các lô cốt lỗ chỗ các vết đạn. Từng là thuộc địa của Anh, Nassau còn bảo tồn những căn nhà bằng gỗ quét sơn màu hồng. Dưới gầm một cây cầu nối liền New Providence với đảo Paradise Island, có một chợ nhỏ nhóm họp nhộn nhịp từ lúc mặt trời mọc cho đến xế trưa.

Chủ nhật ở Bahamas thực sự là một ngày không như mọi ngày. Với khoảng gần ba ngàn ngôi thánh đường trên quần đảo, tất cả các buổi cầu kinh vang lên rộn ràng. Chỉ riêng đảo Harbour Island có bảy thánh đường dành cho 1.600 giáo đồ. Trong số đó nổi bật thánh đường Anh giáo ST.John’s, cổ nhất ở Bahamas, xây dựng vào năm 1768; thánh đường dòng Giám lý Wesley Church, tường vàng, cửa xanh; thánh đường cơ đốc giáo June. Vào mỗi sáng chủ nhật, các giáo đồ tiến về các thánh đường tham dự các buổi lễ dưới sự chủ trì của các mục sư. Nhiều phụ nữ ăn mặc chỉnh tề, đầu đội nón, tay mang găng.

Ở Bahamas hiện hữu một sự tĩnh lặng uể oải đáng yêu, tạo nên một nơi trú ẩn xả stress. Đây đúng là trạng thái có thể cảm nhận trọn vẹn ở Andros, hòn đảo lớn nhất có diện tích 6.000km2. Từ lâu bị tách biệt bởi những đầm lầy ngập nước, những rừng sú dầy đặc, hòn đảo gần như còn trinh nguyên này là nơi tọa lạc của khoảng 30 ngôi làng, với hơn tám ngàn dân cư sinh sống. Những con đường phố của thủ phủ Andros Town trông có vẻ hoang vắng. Những cây thông mọc thẳng cao vút hai bên đường chen lẫn những cây cọ bên dưới. Có một ngoại kiều tên Peter Douglas đã đến đảo thành lập Hiệp Hội Bảo Tồn Andros. Ông cho biết: “Nguồn tài nguyên dồi dào của đảo là dòng nước trong lành được dự trữ dưới các lớp đất giàu calcium. Chính nguồn nước này nuôi sống hệ sinh thái của đảo với các khu  rừng sú và các đầm lầy, nơi sinh trưởng của các lòai bướm lạ, các lòai trăn Nam Mỹ, các lòai kỳ nhông và hơn 40 giống lan rừng khác biệt”. Vào năm 2001, Peter Douglas đã xây dựng khu công viên Quốc gia Andros có diện tích 1.157km2 để bảo tồn các lòai động thực vật quý hiếm này.

Năm 1960, một nhà thám hiểm Canada tên Dick Brich đã cập thuyền đến đảo Andros. Ông đã khám phá ra hồ nước mặn ven biển, những động vật san hô, vực thẳm, biển Toungue of the Ocean cao 1.800 mét và vô số đường hang dưới mặt đất. Chính nhà thám hiểm này đã mở một trung tâm bơi lội đầu tiên trên vùng đảo Bahamas ở vịnh Small Hope.

Ở Bahamas, Bộ Môi Trường mới đựợc thành lập cách đây ba năm, nhưng công viên quốc gia đầu tiên đã được xây dựng vào năm 1958 trên đảo Exuma. Và trên đảo Great Inagua có một sư liên kết giữa một nền kỹ nghệ và một công viên quốc gia dành cho việc bảo tồn hệ động vật. Henry Nixon là người bảo vệ công viên này. Người đàn ông vui tính mỗi ngày đi tuần tra khu công viên rộng đến 745km², gần bằng ½ diện tích đảo. Có hơn 60 ngàn con chim hồng hạc được bảo tồn ở đây, cùng với các giống chim cò trắng, ó cá, chim ốc và chim diệc. Chúng được nuôi dưỡng bằng các con tôm tép bắt từ các đầm muối. Bên rìa công viên là lãnh thổ của công ty muối Morton. Xây dựng năm 1934, công ty khai thác muối của Mỹ này lợi dụng sự khô hạn của đảo để đào các đầm, bơm nước biển vào, chờ sự tác động của mặt trời và gió khiến nước bốc hơi, đọng lại thành muối trong khỏang từ 4 đến 5 tháng. Henry Nixon thừa nhận đây là một nền kỹ nghệ nhưng chẳng có gì là ô nhiễm, trái lại là có lợi cho các con chim.

Thành phố Mathew với một ngàn dân cư đã có những con đường tráng nhựa, một trại hiến binh, hai quán bar, một nhà máy phát điện và một khu nhà trọ. Tất cả được xây dựng nhờ sự tài trợ của Công ty Morton. Ít có người dân nào nơi đây than vãn ra mặt, cho dù mức sống thành phố thuộc hàng thấp nhất ở Bahamas. Nhiều người đang mơ đến những cảnh sống tươi đẹp hơn. Như thể Elvis Parker, người canh giữ ngọn hải đăng trên đảo Inagua. Ông vừa xây một chuồng nuôi dê và cừu với hy vọng sẽ xẻ thịt bán cho các du khách qua lại trên đảo.

DẠO QUANH QUẦN ĐẢO BAHAMAS - 2DẠO QUANH QUẦN ĐẢO BAHAMAS - 3DẠO QUANH QUẦN ĐẢO BAHAMAS - 4DẠO QUANH QUẦN ĐẢO BAHAMAS - 5

Ngọn hải đăng trên đảo Great Abaco phát ra luồng ánh sáng màu đỏ và trắng như một cây kẹo “ăng lê”. Hòn đảo xưa kia là thuộc địa của Anh này có cuộc sống an bình đến nỗi phần đông các căn nhà không bao giờ thấy khóa cửa. Linda Cole, giám đốc viện bả tàng Wyannie Malone, kể: “xưa kia cuộc sống trên đảo vất vả hơn nhiều. Những người dân đi đến đảo làm các nghề trồng bồng, đóng thuyền hoặc buôn rượu lậu. Nay nột số đã trở nên khá giả”. Điển hình như Leonard Thompson, người tiên phong mở một hàng hàng không ở Bahamas vào năm 1945 và là một trong số người đầu tiên xúc tiến ngành du lịch ở Abaco.

DẠO QUANH QUẦN ĐẢO BAHAMAS - 6DẠO QUANH QUẦN ĐẢO BAHAMAS - 7

Ở Great Abaco, ngọn  lửa đỏ duy nhất của hòn đảo dường như đến từ một thế giới khác. Như thể thời gian đã dừng lại nơi đây từ lâu.

DẠO QUANH QUẦN ĐẢO BAHAMAS - 8

V.L

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT