Giới trẻ tiếc không được ngắm “lễ hội” phượng tím ở Đà Lạt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mùa hè, Đà Lạt đang gồng mình chống dịch, du khách đều đồng lòng hướng về thành phố ngàn hoa. Nhưng nhiều bạn trẻ cũng tiếc không thể đến đây để ngắm “lễ hội” phượng tím.

Giới trẻ tiếc không được ngắm “lễ hội” phượng tím ở Đà Lạt - 1

Phượng tím nở rộ quyến rũ lòng người

Mùa hè ở các nơi khác thì hoa phượng nở đỏ rực sân trường, nhưng ở Đà Lạt, phượng tím nở hoa tím, không chỉ trong sận trường, mà ngoài phố, trong công viên, trong công sở, trong nhà dân… đâu đâu cũng là phượng tím, tạo nên một “lễ hội” trình diễn phượng tím quyến rũ lòng người. 

Giới trẻ tiếc không được ngắm “lễ hội” phượng tím ở Đà Lạt - 2

Phượng tím nở khắp nơi, trang hoàng cho căn nhà thêm sắc màu

Bạn Nguyễn Thùy Trang, sinh viên Trường Đại học HUTECH tiếc rẻ: “Tụi em chỉ chờ đến hè là tức tốc lên Đà Lạt chụp hình hoa phượng tím, vì ở đây rất nhiều, ngay cả ngoài đường cũng nở, hoa rụng tím đường, hè phố. Bây giờ thì không được rồi”.

Bạn Phan Lý Gia Hân, sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cũng tâm trạng tương tự: “Mấy năm trước em lên Đà Lạt chụp được nhiều hình đẹp lắm, tính năm nay lên chụp thêm, không ngờ dịch bệnh quá, không đi được, đành chờ năm sau vậy”.

Theo TS. Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cây phượng tím được du nhập vào Đà Lạt do kỹ sư canh nông Lương Văn Sáu, người mang nhiều hạt giống phượng tím từ Pháp về Đà Lạt gieo ươm, rồi đem cây con trồng thực nghiệm dọc đường phố từ năm 1962, song chỉ còn sống 3 cây. 

Đến năm 1994, kỹ sư Lương Văn Sáu mới thành công việc nhân giống phượng tím bằng phương pháp giâm cành. Kế thừa kết quả nhân giống vô tính của kỹ sư Lương Văn Sáu, các nhà khoa học ở Đà Lạt đã nhân rộng và trồng ở Đà Lạt trong suốt hàng chục năm qua.

Từ nguồn gen ở Đà Lạt, một số vùng có khí hậu mát như: Tam Đảo, Lai Châu, Sơn La, Măng Đen ở Việt Nam có trồng, song mật độ hoa ít và màu không tím đặc trưng như ở Đà Lạt.

Giới trẻ tiếc không được ngắm “lễ hội” phượng tím ở Đà Lạt - 3

Phượng tím tạo cảnh quan nên thơ cho đường phố

Ở Đà Lạt phượng tím được trồng làm cây cảnh quan đường phố, công viên và công sở. Cây phượng tím trồng làm cây cảnh quan có tán cây đẹp, hoa có màu tím đặc trưng, hoa nở vào mùa Đà Lạt khi có khí trời se lạnh.

 TS. Phạm S cho rằng, có lẽ do màu tím đặc trưng của phượng tím đã tạo nên những công trình kiến trúc mang một nét rất riêng của Đà Lạt. Hiện nay Đà Lạt cũng có nhiều công trình kiến trúc, nhà ở có gam màu tím. 

Mặt khác có nhiều du khách vì quá yêu Đà Lạt và mê hoặc màu hoa phượng tím nên đã hình thành thói quen, hàng năm luôn dành thời gian đến Đà Lạt vào mùa phượng tím và cũng không quên mặc trang phục màu tím để cùng hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên và khí trời Đà Lạt.

Sự hòa quyện thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc với mùa hoa phượng tím nở đã tạo nên Đà Lạt mùa màu tím và sương là vậy.

Giới trẻ tiếc không được ngắm “lễ hội” phượng tím ở Đà Lạt - 4

Hoa phượng tím rớt đầy hè phố, níu chân du khách, khiến họ không muốn rời xa

Nhằm tạo một sản phẩm du lịch độc đáo hiếm có trùng vào một thời điểm phượng tím nở và nhiều sương, trong thời gian tới, Đà Lạt cần bảo tồn phượng tím đã có, tiếp tục chăm sóc tốt các  cây mới; đồng thời cần quy hoạch các tuyến đường, công viên … để trồng cây phượng tím. Việc bảo tồn tập trung ở các tuyến đường: Nguyên Tử Lực; Đăn Kia từ Phước Thành đi Lạc Dương; tuyến đường vành đai phía Tây Đà Lạt đoạn từ đường đôi Hồ Tuyền Lâm đến đường Ankroet.

Và một số công trình kiến trúc nếu phù hợp với màu tím ở các khu vực như: Làng đô thị xanh, khu du lịch Hồ Tuyền Lâm, dự án chỉnh trang đô thị khu dân cư phường 7, dự án khu dân cư số 5 và các khu du lịch canh nông; đồng thời trồng phượng tím ở các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành và Tà Nung góp phần tạo cảnh quan nông thôn tươi đẹp.

Ở các công sở, hộ gia đình nếu có khuôn viên đất rộng có thể trồng một số cây phượng tím.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kỳ Phong

CLIP HOT