Di tích quốc gia đặc biệt - Trung ương Cục miền Nam: Rừng thiêng của Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vừa qua, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam và công bố Quyết định công nhận thị xã Tây Ninh là đô thị loại III. Tham dự buổi lễ có nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ cùng lãnh đạo các Bộ, Ban ngành T.Ư và địa phương. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, thừa lệnh Thủ tướng đã trao Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Tây Ninh và phát biểu chỉ đạo.

 Di tích quốc gia đặc biệt - Trung ương Cục miền Nam: Rừng thiêng của Việt Nam - 1

Trung ương Cục miền Nam đã ra đời như thế nào?
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung ương (T.Ư) Cục miền Nam được tái lập vào tháng 1/1961, tại Suối Nhum, Mã Đà, chiến khu Đ (Đồng Nai). Lúc bấy giờ T.Ư Đảng chỉ định nhân sự gồm 8 đồng chí, trong đó đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Bí thư Xứ ủy Nam bộ làm Bí thư T.Ư Cục, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam.

Do bối cảnh, điều kiện đặc biệt của thời chiến, tháng 2/1962, toàn bộ các cơ quan của T.Ư Cục di chuyển về khu căn cứ Bắc Tây Ninh (huyện Tân Biên) cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. T.Ư Cục nằm sâu trong khu rừng Rùm Đuôn (rừng Chàng Riệc), cách thị xã Tây Ninh 64km, cách biên giới Campuchia 3km. Nơi đây có những cánh rừng bạt ngàn nối liền Tây Nguyên hùng vĩ với cực Nam Trung bộ và tiếp giáp với đồng bằng Tây Nam bộ. So với chiến khu Đ có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, T.Ư Cục tuy cũng có một số khó khăn nhất định nhưng khí hậu và thời tiết ít gay gắt, khắc nghiệt hơn. Về lương thực, thực phẩm được đảm bảo tốt hơn. Đặc biệt, nhân dân Tây Ninh với truyền thống “Trung dũng, kiên cường”, luôn một lòng theo Đảng, theo cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng, T.Ư Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình, lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành lại độc lập cho dân tộc. Thực tiễn sinh động, hào hùng nhưng cũng hết sức khó khăn, gian khổ đã chứng minh quyết định xây dựng căn cứ T.Ư Cục nơi đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta.

Dưới sự che chở của những tán lá rừng nơi đây, mấy mươi năm về trước ngoài khu căn cứ T.Ư Cục miền Nam còn có Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam… là khu căn cứ địa điển hình, có giá trị lớn về mặt lịch sử, khoa học, văn hóa và quân sự. Ngay từ năm 1990, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Và những ngày cuối năm 2012, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh tự hào, vui mừng đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Di tích căn cứ T.Ư Cục miền Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, thêm một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt và những đóng góp mang tính lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Địa chỉ hút khách

Trong niềm tự hào chung của cả nước, có niềm tự hào riêng của người dân Tây Ninh, đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho căn cứ T.Ư Cục và vinh dự được nhận nhiệm vụ bảo tồn, trùng tu, tôn tạo khu di tích này để phát huy những giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc. Khu di tích giờ đây được quy hoạch với tổng diện tích 1.764 ha, bao gồm các phân khu chức năng: khu bảo tồn di tích, khu tôn tạo, khu dịch vụ du lịch, khu bảo tồn cảnh quan rừng, khu hành chính, hạ tầng cơ sở, hệ thống giao thông…

Toàn bộ khu quy hoạch đều nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng, không bị ngập vào mùa mưa, xung quanh bao bọc bởi những tán rừng nguyên sinh, có suối Tiên Cô chạy uốn quanh đầy thơ mộng. Ngày nay, du khách có dịp về thăm khu di tích sẽ tận mắt thấy được nơi ở và làm việc một thời của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước: Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Thái Bường, Trần Nam Trung, Phạm Văn Xô… Đây cũng là dịp để tìm hiểu thêm về điều kiện sinh sống, chiến đấu… ở đây như bếp Hoàng Cầm, hệ thống công sự, hầm chữ A…

Bình quân mỗi năm khu di tích đón nhận khoảng 60.000 lượt khách trong ngoài nước đến tham quan. Đặc biệt vào lễ 30/4, T.Ư Cục trở thành nơi họp mặt truyền thống của hàng ngàn người nguyên là cán bộ, chiến sĩ… của các cơ quan trực thuộc T.Ư Cục miền Nam. Trong số các đoàn thể về thăm căn cứ cũ, còn có nhiều khách nước ngoài đến từ nhiều quốc gia. Nhưng với các cựu binh Mỹ thì họ không khỏi thắc mắc vì sao những căn nhà chỉ huy chỉ làm bằng mấy cây gỗ tạp, lợp lá trung quân mà cơ quan lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam đã bám trụ được dưới mưa bom, bão đạn của quân đội Ngụy Sài Gòn chà đi xát lại?

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: Quần thể di tích T.Ư Cục sẽ sớm được trùng tu, tôn tạo tái hiện lịch sử chân thật, sinh động, xứng đáng với tầm vóc của mình – một khu di tích thiêng liêng nhất trong quần thể di tích các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Bà cũng mong muốn sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành để nơi đây thật sự trở thành “địa chỉ đỏ” cho các thế hệ mai sau, đáp ứng được tình cảm, nguyện vọng của những người từng sống, chiến đấu ở nơi này. Đồng thời, phát huy thế mạnh khai thác tiềm năng du lịch thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu lịch sử, giáo dục truyền thống, vừa kết hợp với các lễ hội về nguồn, phát triển kinh tế cửa khẩu…

Di tích quốc gia đặc biệt - Trung ương Cục miền Nam: Rừng thiêng của Việt Nam - 2

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại buổi lễ

Tại lễ trao Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, nhấn mạnh: Khu di tích lịch sử T.Ư Cục miền Nam được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh nói riêng, và niềm tự hào chung của người dân cả nước. Đây là di tích hết sức quí báu để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ mai sau. Việc bảo vệ, phát huy giáo dục truyền thống khu di tích không chỉ riêng của Ban quản lý, ngành VHTTDL địa phương mà là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân Tây Ninh. Bộ VHTTDL sẽ cùng với địa phương ra sức xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích - một di sản quí giá của cha ông.

Cũng trong dịp này, chính quyền và người dân Tây Ninh còn vui mừng đón nhận quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị xã Tây Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại 3. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nói chung, thị xã Tây Ninh nói riêng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Thị xã Tây Ninh giờ đây có diện tích 140km2, 10 đơn vị hành chính, tổng dân số 151.255 người. Thị xã Tây Ninh là nơi tập trung nhiều nhất các hoạt động dịch vụ, đầu mối giao lưu, trao đổi hàng hóa với các trung tâm thương mại lớn trong khu vực, như TP.HCM, TP. Phnômpênh (Campuchia) và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An… Dựa trên lợi thế có các danh lam thắng cảnh đặc sắc (Tòa thánh Tây Ninh, núi Bà Đen…), thị xã Tây Ninh có nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Khu du lịch núi Bà Đen là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, mỗi năm vào dịp xuân về thu hút hơn 2,2 triệu lượt khách tham quan.

Cao Phương

(Báo Du lịch Việt Nam, số 51, từ ngày 27/12/2012 đến 02/01/2013)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT