DANH THẮNG DAKLAK

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo


DANH THẮNG DAKLAK - 1    
Thác Gia Long
Thác Gia Long – Khúc nhạc rừng huyền bí
 

Theo đường tỉnh lộ về phía Tây Nam khỏang 25 km, du khách sẽ đến xã Dray Sáp, huyện Krông Ana. Thác Gia Long hiện ra với dáng vẻ hoang sơ và lãng mạn, tựa nàng thiếu nữ ngủ quên giữa đại ngàn. Thác Gia Long hay còn gọi là thác Dray Sáp Thượng, xưa kia đây là nơi các vị vua nhà Nguyễn đã từng đặt chân đến.

Từ xa, du khách đã nghe tiếng thác rền vang dậy cả núi rừng. Đây là ngọn thác không thể tiếp cận, bạn chỉ có thể đứng nhìn từ xa, dạo quanh trong khu rừng già huyền bí để thám hiểm những điều kì thú của thiên nhiên. Mai đây, khi thủy điện Buôn Kuốp hoàn thành, thác Gia Long sẽ là một khu du lịch trọng điểm với sản phẩm du lịch sinh thái phong phú và hấp dẫn.

 

Dray Nur - Ầm ào thác đổ

Trên đường đến thác Gia Long, du khách hãy dừng chân ghé thăm thác Dray Nur để chiêm ngưỡng một kỳ quan của núi rừng Tây Nguyên. Bắt nguồn từ dòng sông Sêrêpôk hiền hòa, thác Dray Nur chia thành hai nhánh ầm ào và mạnh mẽ, cùng nhau đổ xuống thung lũng, tạo nên giai điệu riêng độc đáo của rừng thiêng DakLak. Dòng thác Dray Nur như những sợi tơ trời buông lơi giữa sườn đồi, điểm cho thiên nhiên nơi đây thêm lãng mạn, nhưng vẫn mang trong mình dáng vẻ hoang sơ nguyên thủy.

Trông xa xa quanh thác, những ngôi nhà sàn xinh xắn ẩn mình giữa rừng cây tạo cho bức tranh thiên nhiên hùng vĩ thêm phần sinh động. Đến với DakLak du khách được chiêm ngưỡng tuyệt tác của tạo hóa - thác Dray Nur, cảm nhận sự tuyệt vời của núi rừng Tây Nguyên.

 

Thác Krông Kmar

DANH THẮNG DAKLAK - 2

Thác Krông Kmar

Dưới chân dãy Chư Yang Sin, cách trung tâm huyện Krông Bông khoảng 3km là điểm du lịch thác Krông Kmar.

Từ trên đỉnh núi, dòng thác Krông Kmar tuôn trào thành những bậc thác nối tiếp nhau. Ngược về hướng thượng nguồn, du khách sẽ bắt gặp một hồ nước rộng trong xanh nằm giữa rừng. Đó chính là thượng nguồn, nơi bắt đầu của dòng thác Krông Kmar. Hãy một lần ngâm mình trong dòng nước mát, tận hưởng không khí trong lành, êm dịu của thiên nhiên đại ngàn, du khách sẽ cảm thấy thư thái, sảng khoái hơn. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức hương vị khó quên của rượu cần Tây Nguyên và các sản phẩm, dịch vụ của khu du lịch luôn sẵn sàng phục vụ du khách…

 

Tháp Yang Prông – Trầm mặc giữa đại ngàn

DANH THẮNG DAKLAK - 3

Tháp Yang Prông

Như một chấm phá giữa bức tranh thiên nhiên bao la và hùng tráng của núi rừng DakLak, thác Yang Prông tô điểm cho văn hóa của vùng đất Tây Nguyên thêm nhiều màu sắc. Tháp cao 9cm, có hình vuông mỗi cạnh dài 5m, mỗi một mặt tường đều có cửa giả, nhưng chỉ có một cửa chính để ra vào nhìn về hướng Đông.

Tháp nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100km, thuộc huyện Ea Súp, bên dòng sông Ea H’leo quanh năm cho dòng nước ngọt, ẩn mình trầm mặc giữa sự tĩnh lặng của một vùng sơn cước mênh mông. Tháp mang những nét đặc trưng Chăm cổ xưa, như chiếc bút hoa vươn mình giữa núi rừng hùng vĩ, để vẽ nên những huyền thoại về sự giao lưu văn hóa giữa người Chăm và các dân tộc bản địa Dak Lak.

Không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, thác Yang Prông mang sắc thái và văn hóa Chăm cổ xưa huyền bí, cổ kính thâm nghiêm tồn tại vững bền cùng thời gian.

 

Di tích văn hóa lịch sử

Chùa Khải Đoan – tín ngưỡng Tây Nguyên

DANH THẮNG DAKLAK - 4

Chùa Khải Đoan

Khải Đoan tự được xây dựng vàn năm 1951 – 1953 trong một khuôn viên thoáng rộng trên đường Phan Bội Châu (117 Phan Bội Châu, TP.Buôn Ma Thuột). Tên chùa được ghép bởi tên vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng hậu. Đây là ngôi chùa sắc tứ cuối cùng của nhà Nguyễn. Chùa có kiến trúc chữ tam, trước cổng là tam quan, gồm 2 tầng với vòm cửa cao, chính điện rộng 320 m2, sau là nhà hậu tổ. Chính điện thờ Phật Thích Ca có hai phần, nửa trước mang dáng dấp nhà dài Tây Nguyên, cấu trúc cột kèo kiểu nhà rường Huế, nửa sau theo lối hiện đại. Chiếc chuông đồng nặng 380 kg đúc năm 1954 được đặt ở gian bên phải. Điện Quan Âm xây tách biệt với bố cục chính của chùa hình lục giác với 6 cột trang trí hình rồng mây.

Đến thăm chùa Khải Đoan, du khách như lạc vào chốn tâm linh, nơi bình yên và thanh thản của tâm hồn.

Đình Lạc Giao

Đình làng từ lâu đã là hình ảnh thân thương trong lòng mỗi người con đất Việt. Những người Việt đến lập nghiệp đầu tiên ở Dak Lak đã dựng đình Lạc Giao năm 1928, để thờ cúng tổ tiên, thờ người lập làng lập ấp, người có công đã hy sinh trên mảnh đất mới. Ngày nay, đình còn thờ những chiến sĩ cách mạng đã dâng hiến cuộc đời cho đất Tây Nguyên.

Năm 1932, vua Bảo Đại ban sắc tứ phong Khai quốc công thần Đào Duy Từ là Thần hoàng của đình Lạc Giao. Việc sắc phong này khẳng định vùng đất cao nguyên thuộc “Hoàng triều cương thổ”. Ngôi đình mang kiến trúc của đình làng miền Trung, nhà tổ kiểu chữ môn. Ngôi đình còn là lời giao ước giữa người Kinh và đồng bào các dân tộc Êđê, M’nông… Ý nghĩa tốt đẹp đó được bảo lưu cho mãi đến hôm nay. Đình Lạc Giao đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa của quốc gia.

(Trung tâm Xúc tiến - Thương mại - Đầu tư – Du lịch Dak Lak)

 

 


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT