Chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong 7 tháng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chỉ cần tin tưởng vào bản thân, không điều gì là không thể, kể cả việc chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong vỏn vẹn 7 tháng.

Bộ phim tài liệu “14 peaks - Nothing is impossible”: Chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong 7 tháng của Nirmal Purja mới vừa ra mắt trên Netflix. Dự án khả thi “Project Possible” là cái tên được Nirmal Purja đặt cho đội của mình, bởi người ta nói điều anh thực hiện là bất khả thi. Việc chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới (tất cả đều trên 8.000m) đã có người thực hiện nhưng là trong thời gian 7 năm. Nirmal Purja đặt mục tiêu chinh phục trong 7 tháng. Hành trình này đã phá 6 kỷ lục thế giới.

Chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong 7 tháng - 1

Poster quảng bá phim.

Hành trình này có rất nhiều điều đặc biệt, mà hay nhất chính là Nirmal Purja là một người Nepal, cả đội của anh cũng là người Nepal. Trong 14 đỉnh núi cao nhất thế giới có hơn một nửa là nằm ở Nepal. Số còn lại nằm ở Pakistan, Tây Tạng.

Nirmal Purja là ai? Một nhà leo núi? Một chuyên gia? Thực ra Nirmal Purja cho biết, anh chưa hề đặt chân lên núi cho đến năm 2012. Đó cũng là lúc anh nhận ra mình có khả năng đặc biệt trong việc thích ứng với những ngọn núi. Ở trung tâm độ cao tại Luân Đôn, Nirmal Purja thực hiện một thử nghiệm để chứng tỏ khả năng vận động trong điều kiện oxy giới hạn. Kết quả của thử nghiệm xuất sắc ngoài mong đợi.

Chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong 7 tháng - 2

Nirmal Purja thời còn trong quân ngũ.

Nirmal Purja sinh ra trong một gia đình bình thường ở Nepal, có 6 năm trong quân ngũ ở Gurkha. Năm 2008, Nirmal Purja nộp đơn gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm Anh quốc và trở thành người Nepal đầu tiên làm việc cho SBS.

Lý do lớn nhất để Nirmal Purja quyết tâm thực hiện “Project Possible: 14 peaks 7 months” là vì chính bản thân anh - một người Nepal muốn làm điều này cho người Nepal - đất nước quê hương của những ngọn núi có tên gọi “trán của trời” Sagarmatha, hay “nữ thần mùa màng” Annapurna… Người Nepal chưa bao giờ được thế giới xem trọng. Khi người New Zealand lần đầu chinh phục nóc nhà thế giới vào năm 1953 đến nay, những người Nepal đồng hành thưởng chỉ được thế giới nhớ tới với một danh từ chung Sherpa – cái tên dành cho những người dẫn đường, người khuân vác.

Chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong 7 tháng - 3

Dự án khá thi chia ra làm 3 chặng:

Chặng 1 Nepal: Annapurna, Dhaulagiri, Kanchenjunga, MT Everest, Lhotse, Makalu.

Chặng 2 Pakistan: Nanga Parbat, K2, Broad peak, Ghasherbrum I, Ghasherbrum II.

Chặng 3 Tây Tạng - Nepal: Cho Oyu, Shishapangma, Manaslu.

Không phải ngẫu nhiên mà Annapurna là mục tiêu đầu tiên trong số 14 đỉnh núi phải chinh phục của Project Possible. Annapurna cao 8.091m có nghĩa là “mùa màng” hay Nữ thần sinh sản, Nữ thần mùa màng đỉnh núi cao thứ 10 thế giới nhưng độ khó rất cao, cứ 3 nhà leo núi lên đỉnh thành công thì có một người bỏ mạng. Annapurna là khối núi rộng lớn trải dài với nhiều cung trekking cho dân thường. May mắn cho tôi là cũng một lần được chiêm ngưỡng đỉnh Annapurna cùng nhiều đỉnh núi khác khi trekking cung Annapurna Circuit năm 2019 – cùng thời gian mà Nirmal Purja thực hiện dự án của anh.

Chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong 7 tháng - 4

Nirmal Purja cầu nguyện trước những chuyến đi.

Annapurna ngập tuyết vào mùa xuân, có đoạn tuyết dày cả mét. Đội của Nirmal Purja chinh phục thành công đỉnh núi này và quay về trại 4 trong đêm. Tuy nhiên, sáng hôm sau họ nhận được tin 1 nhà leo núi khác chưa quay về trại và xung phong lên đường giải cứu. Phép màu xảy ra khi trực thăng bay dò tìm thấy nhà leo núi bị mắc kẹt đang cố giơ tay vẫy ra hiệu. Đội của Nirmal Purja được trực thăng cẩu lên tiếp cận vị trí nhà leo núi và đưa anh ta đi cấp cứu kịp thời. Câu chuyện này thực sự điên rồ, bởi lẽ cả đội vừa hoàn thành 1 thử thách mà nhiều người chỉ muốn thực hiện một lần duy nhất trong đời. Họ phải quay lại cái đỉnh núi mà họ vừa vất vả trèo xuống thêm lần nữa. Và cũng thực sự là phép màu, khi nhà leo núi bị mắc kẹt 1 đêm trong thời tiết khắc nghiệt vẫn được cứu sống.

Không có gì đáng kinh ngạc khi Everest không phải đỉnh núi khó khăn nhất mà Nirmal Purja và cả đội phải vượt qua. Nhưng để leo MT Everest đòi hỏi sự chuẩn xác trong việc canh chừng thời tiết và cả sự may mắn. Theo như Nirmal Purja chia sẻ, thời tiết tốt nhất để leo Everest là tháng 5, trong tháng 5 lại chỉ có đúng 2 ngày trời quang mây tạnh hội tụ đủ mọi ưu ái từ thiên nhiên cho chuyến chinh phục đỉnh cao nhất của thế giới là ngày 22 và 23 tháng 5. Đó chính là nguồn gốc của bức ảnh gây bão mạng xã hội năm 2019 do chính Nirmal Purja chụp mang tên: Tắc đường lên đỉnh Everest. Có khoảng 400 nhà leo núi, cộng thêm 400 người Sherpa, tất cả đều chung một mục tiêu lên đỉnh Everest trong 2 ngày, thật khủng khiếp gần 1.000 người bu lại xung quanh cái chóp núi.

Chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong 7 tháng - 5

Tắc đường trên Everest – bức ảnh được chụp bởi Nirmal Purja năm 2019.

Vị trí thứ 10 trong số 14 đỉnh núi mà Nirmal Purja phải chinh phục thuộc về K2 – đỉnh núi phải may mắn lắm mới sống sót – chính anh cũng phải thừa nhận điều này.

Trong mắt giới leo núi chuyên nghiệp, không ai là không biết đến danh tiếng của K2 – ngọn núi cao thứ 2 thế giới nằm ở Pakistan với độ dốc không tưởng trên đường chinh phục. Cũng tại đây, đội của Nims gặp 500 anh em leo núi đang vật vờ ở trại chân núi ngước nhìn lên đỉnh K2 đầy bất lực. Có truyền thuyết cho rằng, K2 là một đỉnh núi thiêng, một khi chinh phục không thành công thì tốt nhất nên quay về vì núi không muốn cho bạn lên đỉnh. Những trận tuyết lở, cột băng tuyết khổng lồ… dường như nhấn chìm các đoàn leo núi trong tuyệt vọng. Nhưng khi đội của Nims tới, hi vọng đã được thắp lên cùng với nhiệt huyết của cả đội.

Chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong 7 tháng - 6

“Những ngọn núi không ý kiến gì về việc da bạn đen hay trắng, bạn khỏe mạnh hay yếu đuối. Nhưng có một quy luật chung cho tất cả mọi người: nếu bạn bỏ cuộc, bạn sẽ chết.” câu nói nổi tiếng của Nirmal Purja.

Hành trình chinh phục 14 đỉnh núi trong 7 tháng của Nims đầy cảm xúc. Đó là những khó khăn ban đầu khi anh phải đứng ra vận động ủng hộ cho dự án không mấy khả thi của mình: một quân nhân có thâm niên trở thành nhà leo núi, một người không có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, một thanh niên với xuất thân bình thường phải thế chấp nhà cửa, một người con út trong gia đình Nepal truyền thống đi ngược lại với mong muốn của gia đình (theo truyền thống, Nims là con út gánh trọng trách phụng dưỡng mẹ già, các anh trai của Nims muốn anh ở lại quân đội thêm một thời gian để có lương hưu lo cho gia đình thay vì thực hiện dự án điên rồ này).

Không ít lần Nims đối diện với cái chết khi rơi và lăn tự do khoảng 100m trên đường leo núi. Anh cũng chia sẻ bình oxy của mình với một nhà leo núi bị mắc kẹt chờ giải cứu, sau đó người này chết trên tay anh trong sự bất lực của cả đội.

Chính vì quãng thời gian 7 tháng thay vì 7 năm như kỷ lục từng được thiết lập trước đó, Nims và đội của anh phải chạy đua cùng thời gian. Ví dụ khi đang ở chân núi Manaslu thì Nims nghe tin Cho Oyu bên Tây Tạng chuẩn bị đóng cửa trong 1 tuần tới. Vì thế anh phải cuống cuồng chạy hết tốc lực quay xe đi leo Cho Oyu ở nước bạn trước.

Nims còn đứng trước một “ngọn núi” khó vời vợi khi đơn xin leo ngọn Shishapangma của đội anh bị chính phủ Trung Quốc từ chối. Với người bình thường thì nên dẹp bỏ luôn ý tưởng này đi là vừa, nhưng với Nims thì phải vượt qua bằng mọi cách với thời gian ngắn nhất. Từ gặp gỡ các chính trị gia có tầm ảnh hưởng ở Nepal đến tranh thủ sức mạnh của cộng đồng mạng, Nims đều nỗ lực. Cuối cùng, đội của anh cũng được cho phép leo ngọn Shishapangma – ngọn núi đã không có ai được phép chinh phục từ năm 2014.

Cảm xúc tuyệt vời mà bộ phim tài liệu “14 Peaks: Nothing is Impossible” mang lại còn nằm ở câu chuyện gia đình bình thường nhưng ấm áp cảm động của Nims: người mẹ có sức ảnh hưởng sâu sắc đến anh. Nims thường xuyên bị giằng xé giữa công việc và ước mơ, giữa nghĩa vụ với gia đình và tiếng gọi của những ngọn núi. Mẹ anh đã luôn dõi theo hành trình và là ngọn núi trong tim giữ cho anh luôn vững vàng. Và anh đã kịp tặng bà một món quà ý nghĩa trước khi bà ra đi.

Chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong 7 tháng - 7

Nirmal Purja và mẹ trên chiếc trực thăng vào ngày anh chinh phục xong tất cả 14 đỉnh núi như một món quà tặng bà.

Nirmal Purja hoàn thành Project Possible Dự án khả thi chinh phục 14 ngọn núi cao nhất thế giới trong 6 tháng 6 ngày, phá 6 kỷ lục leo núi thế giới. Bộ phim tài liệu “14 peaks: Nothing is Impossible” phát hành ngày 29/11/2021 trên Netflix, được dịch ra 30 ngôn ngữ trên toàn thế giới có cả tiếng Việt.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trần Huyền

CLIP HOT