TP.HCM truyền cảm hứng cho các địa phương phát triển

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Làm việc với TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu thành phố phải góp phần, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các địa phương trong quá trình phát triển. Chính phủ luôn đồng hành cùng thành phố để tháo gỡ khó khăn.

Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm năm 2022 trên địa bàn chiều 27/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết kinh tế thành phố năm nay có mức tăng trưởng khá cao, hơn 9% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%).

Đến nay, dự kiến có 15/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 của thành phố cơ bản đạt và vượt kế hoạch.

TP.HCM truyền cảm hứng cho các địa phương phát triển - 1

Sau 1 năm đại dịch, TPHCM đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.  Ảnh: CAND

Dù vậy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn mới chỉ đạt tỷ lệ 34%, thấp nhất cả nước. Thành phố đã triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đạt được tỷ lệ giải ngân hơn 76% tổng số vốn giao.

Về việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm trên địa bàn thành phố, theo Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, với dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tổng khối lượng thực hiện của dự án đạt 92,89%. Dự kiến công trình hoàn thành năm 2023.

Với Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, hiện tỷ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đạt 85,45%.

Thành phố đang tiến hành đấu thầu xây lắp di dời công trình điện; dự kiến khởi công xây dựng cuối năm 2022, hoàn thành vào cuối năm 2024 để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính vào năm 2025.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, thành phố đang hoàn tất các thủ tục để phê duyệt hai dự án thành trước để có thể khởi công trước 30/6/2023.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ khẩn trương đánh giá và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và bất động sản, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động.

TP.HCM truyền cảm hứng cho các địa phương phát triển - 2

Quy hoạch TP Thủ Đức là một trong 3 quy hoạch cần tập trung mà Thủ tướng lưu ý thành phố.  PNO

Lãnh đạo thành phố cũng kiến nghị nhiều nội dung với thị trường xăng dầu, vì đây là mặt hàng có tính chiến lược quan trọng. Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng SCB, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn.

Cùng tham gia buổi làm việc, lãnh đạo các bộ Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Giao thông Vận tải, Y tế… cùng cho rằng, TP.HCM đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương kết quả TP.HCM đạt được thời gian qua. Thủ tướng cho rằng với một thành phố lớn, dân số hơn 10 triệu người, có vị trí đặc biệt, thì khó có thể giải quyết hết các khó khăn, phải bảo đảm phát triển kinh tế, lo sinh kế cho người dân và bảo vệ an ninh, quốc phòng, ổn định trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phải góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình phát triển, và nhấn mạnh Chính phủ luôn đồng hành cùng thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM rà soát lại các công việc từ nay đến cuối năm, chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2023. Trong đó, cần tập trung vào 3 quy hoạch, là quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch TP Thủ Đức.

TP.HCM truyền cảm hứng cho các địa phương phát triển - 3

Nhiều nội dung về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn mãi kiến nghị Thủ tướng và các Bộ ngành. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị TP.HCM tập trung dành nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Thành phố cũng cần tập trung vào các ngành nghề mới, chuyển đổi số, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; làm tốt công tác an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; quan tâm phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển chính trị, kinh tế; phát triển công nghiệp văn hoá gắn với thúc đẩy du lịch.

Thủ tướng cũng cho biết, các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ sẽ phối hợp với TP.HCM trong việc sửa đổi Nghị quyết 54 về các cơ chế đặc thù cho thành phố.

Về kiến nghị tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tài chính ngân hàng, Thủ tướng cho biết đã thành lập 3 tổ công tác để xử lý các vấn đề trong các lĩnh vực này.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

H.Lâm

CLIP HOT