Cúng ông Công ông Táo giờ nào, ở đâu trong nhà

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong ngày 23 tháng Chạp năm nay, giờ Thìn (7h-9h) là giờ Tốc hỷ nên thích hợp để các gia đình tiến hành nghi lễ cúng tiễn Táo quân chầu trời.

Theo phong tục của người Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày cúng ông Công, ông Táo hay còn gọi là Tết Táo quân.

Người Việt xưa tin rằng Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình, có nhiệm vụ báo cáo mọi việc tốt xấu trong năm với Ngọc Hoàng.

Thông qua báo cáo của Táo quân, Ngọc Hoàng sẽ có sự thưởng phạt khác nhau cho mỗi nhà. Chính vì vậy, phong tục cúng, tiễn ông Công ông Táo chầu trời vào mỗi dịp cuối năm rất được người dân coi trọng và tổ chức trọng thể.

Thời gian cúng ông Công ông Táo

Theo thông lệ, ngày ông Công ông Táo là 23 tháng Chạp, rơi vào ngày 25/1/2022. Lễ cúng thường được thực hiện vào trưa 23 tháng Chạp.

Tuy nhiên ngày nay, tùy vào điều kiện, nhiều gia đình có thể tiễn ông Công ông Táo vào ngày 21, 22 tháng Chạp, chỉ cần cúng xong trước 23h ngày 23 âm lịch.

Cúng ông Công ông Táo giờ nào, ở đâu trong nhà - 1

Nhiều gia đình cúng ông Công ông Táo trước trưa 23 tháng Chạp.

Theo tín ngưỡng dân gian, giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp là thời điểm các Thần Bếp quy tụ để chuẩn bị về trời. Nên đây được coi là khung giờ linh thiêng, thích hợp nhất để đưa tiễn ông Công, ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng.

Tuy nhiên, trong ngày 23 tháng Chạp năm nay, giờ Ngọ lại là giờ Hắc đạo nên không nhất thiết phải cúng Táo quân vào lúc giữa trưa. Theo lịch vạn niên, các khung giờ đẹp gồm Thìn (7h-9h), Tỵ (9h-11h).

Đặc biệt, giờ Thìn là giờ Tốc hỷ, thích hợp để tiến hành nghi lễ cúng tiễn Táo quân. Vì thế, tùy quan niệm, hoàn cảnh mỗi gia đình mà có thể đưa ra lựa chọn thích hợp nhất.

Cúng ông Công ông Táo ở đâu

Theo sách Phong tục thờ cúng của người Việt của tác giả Song Mai và Quỳnh Trang do Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin phát hành, trong ngày Táo quân chầu trời (23 âm lịch), gia đình nào cũng chuẩn bị lễ tiễn ông Công ông Táo.

Bàn thờ Táo quân được định vị khác nhau, tùy từng địa phương. Có nơi kê cạnh bàn thờ tổ tiên, có nơi đặt trong bếp, có nơi đặt ở vách giữa phía sau nhà.

"Nói tới ông Táo - vua Bếp, cũng là nói tới lửa. Về thời cổ, lửa và nước là phương tiện tẩy sạch, thanh khiết hóa. Một bà hai ông đâu đầu vào lửa là hình ảnh đầu tiên của 'nghi lễ thanh khiết'".

Cúng ông Công ông Táo giờ nào, ở đâu trong nhà - 2

Mỗi địa phương, vùng miền có tập tục cúng ông Công ông Táo khác nhau.

Còn theo giáo sư Trần Ngọc Thêm trong cuốn Cơ sở Văn hóa Việt Nam do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1999, mối quan hệ giữa Thổ Công và ông bà tổ tiên trong gia đình rất thú vị.

"Thổ Công định đoạt phúc họa cho cả nhà nên là vị thần quan trọng nhất, nhưng ông bà sinh ra ta nên được tôn kính nhất. Để không làm mất lòng ai, người Việt Nam xếp cho tổ tiên ngự tại cái bàn thờ tôn kính nhất ở gian giữa, còn Thổ Công thì ở gian bên trái (theo ngũ hành, bên trái - phương Đông là nơi quan trọng thứ hai sau trung tâm)".

Tuy vậy, hiện chưa có tài liệu nào quy định rõ ràng về vị trí đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp.

Quan điểm phổ biến nhất là đặt mâm cúng ông Công, tức Thổ Công, vị thần trông coi nhà cửa, đất đai, tại bàn thờ tổ tiên.

Còn ông Táo, với vai trò là vị thần trông coi bếp núc, nên được thờ, đặt mâm cúng trong nhà bếp.

Ở từng địa phương, vùng miền, truyền thống cúng ông Công ông Táo có nhiều nét khác biệt. Tùy theo tín ngưỡng, tập tục, mỗi gia đình có cách áp dụng khác nhau sao cho phù hợp nhất.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lê Vy (Zing News)