CHỢ QUÊ, MỘT ĐỐM LỬA THIÊNG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo


 

CHỢ QUÊ, MỘT ĐỐM LỬA THIÊNG - 1

1. Cổng làng và đình làng người ta dỡ mất từ hồi cải cách, nhưng cái nền đình vẫn còn đó bên gốc đa cổ thụ đầu làng. Cạnh gốc đa và cái nền đình trơ gan tuế nguyệt ấy là chợ. Chợ làng có tự thuở chưa có tôi và đến hôm nay gần bốn mươi năm cho tôi sinh ra, lớn lên và đi khắp đó đây, chợ làng vẫn thế. Chợ làng tôi to lắm, “to” chứ không phải lớn đâu nhé! Ấy là tôi hình dung lại cái nhìn của cậu bé lên bốn lần đầu tiên được mẹ dắt tay vào chợ…

Chợ quê, một đốm lửa thiêng

Cháy trong tôi suốt bao miền tôi xa…

Câu thơ đó là của Hà Cừ bạn tôi, một nhà thơ xứ Bắc. Thật có lý và cũng thật tinh tế. Người viết nên những dòng lục bát da diết ấy đã thật sự trải lòng ra với cố hương. Anh đã phát hiện ra cái “góc” tươi vui, rộn rã và văn minh nhất trong cái làng quê ngàn đời lặng lẽ sau lũy tre và nuôi dưỡng cái sức nóng âm ỉ của ngọn lửa thiêng vô hình ấy bằng tình yêu nồng nàn, tha thiết..

 2. Người ta gọi người thành phố là “dân kẻ chợ” và đã sinh ra câu thành ngữ “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì kẻ chợ” để vạch một nét chuẩn cấp độ trong phép so sánh. Nhưng lịch sử của phố thì có sau lịch sử của chợ, bởi chợ là “người mẹ” của phố, người mẹ ấy ra đời từ quê. Văn hóa chợ quê có từ trước công nguyên, khi loài người có nhu cầu trao đổi hàng hóa. Hình thức giao thương sơ khai nhất trong lịch sử thương mại là “vật đổi vật” mà cách nói hình tượng là “một con cừu bằng hai bao bột ngũ cốc”.

Việt Nam ta, xứ nhiệt đới với nền văn minh lúa nước ngàn đời này đã từ cổ xưa đẻ ra cái chợ quê mà nó trở thành tâm thức cộng đồng, là một yếu tố cấu thành nền văn minh làng xã. Lùi thời gian vào hồi đầu thế kỷ trước ta hình dung lại gương mặt chợ quê qua những dòng khảo luận lưu lại của các học giả.

Năm 1929, trong cuốn “L’Indochine en Ziggzas”, ông Pierre Billotey - một nhà nghiên cứu người Pháp đã viết: “Trên con đường chính, cả một đoàn người nối đuôi nhau đi. Phải chăng họ từ phiên chợ trở về, những người dân quê gánh nặng và đông đảo ấy? Họ bước thoăn thoắt vội vàng, chiếc đòn gánh tre trên vai có lủng lẳng thõng xuống như hai đĩa cân, hai rổ sảo giống như hai chiếc ly hoặc những thúng mủng. Trong những cái thúng mủng này chồng chất hàng ngàn thứ khác nhau, thóc, gạo, chuối, rau, cỏ, hạt, cau, trầu, rơm, nồi đất buộc rất tài tình và nhiều thứ khác nữa…”

Còn đây là một đoạn trong cuốn: “Việt Nam văn hóa sử cương” mà học giả Đào Duy Anh đã viết từ năm 1938: “Ở quê thì cái chợ là nơi dân xung quanh họp nhau mỗi ngày hay mỗi phiên để đổi chác những đồ thổ sản hoặc về nông nghiệp hoặc về công nghiệp, cần dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Ngoài những người nhà quê đến chợ để bán thổ sản, còn có ít nhiều người lái buôn chuyến như hàng vải, hàng xén, hàng cau, hàng thuốc, hàng thịt, hàng bánh, cứ gánh hàng đi chợ này chợ khác để bán rong…”

Ai đó thật có lý khi nói rằng, muốn biết đời sống ở một vùng quê nào đó ra sao thì hãy ra ngắm chợ. Chợ là trung tâm văn hóa cộng đồng. Chợ là hồn của quê. Cái hồn Việt ấy trải dài từ Bắc chí Nam, từ xuôi lên ngược. Dù trên bến hay dưới thuyền, dù giữa dòng sông hay lưng chừng núi, dù vùng sầm uất trù phú hay xơ xác chốn nghèo… Ở đâu và ở đâu thì chợ quê vẫn mang bóng dáng như nhau. Một lúc nào đó ở một nơi chốn nào đó ta qua trên bước đường tha hương, chợt gặp lại hình bóng ta xưa qua hình dáng những quán lá liêu xiêu vương trắng bụi trần. Những quán lá lúc xao động sắc màu, rộn rã âm thanh; lúc thảnh thơi, tự tại. Chợ quê đấy! Lòng chợt ngân lên rưng rức trong cảm xúc hoài niệm, cái thời xa xưa ấy của ta nào đã xa đâu…

 3. Giữa ánh sáng xanh, đỏ, tím, vàng của đời sống thị thành, có ai cũng giống tôi trong cảm xúc hoài niệm về một vùng cố xứ, hoài niệm về những túp lều tranh mọc lên trên rơm rạ quê nghèo. Chợ quê, trung tâm văn hóa sinh hoạt tự nhiên trong đời sống cộng đồng làng quê. Chợ đã đi vào tâm thức người Việt Nam, hòa vào dòng chảy văn hóa ngàn đời của cư dân Việt với những nét truyền thống khó phai mờ. Chợ ghi lại những dấu ấn đặc trưng, nơi mua bán, chứng kiến những cuộc mưu sinh gian khó và cơ cực… Nhưng, đâu chỉ vậy! Thuở thiếu thời, ta đã bao lần trốn học ra chợ chơi trò đánh đáo, đánh khăng. Tuổi thơ ai không thuộc nằm lòng những câu xẩm của ông lão mù quanh năm, suốt tháng ngồi bên góc chợ. Những lời rao của ông lão thuốc lào, chú khách bán thuốc dấu hay những anh lực điền nồi đất đã ám ảnh ta như chút “vốn văn chương” dân dã đầu đời. Trai làng trên, gái làng dưới lấy chợ làm nơi hẹn hò. Người đi làm đồng về gặp buổi chợ trưa, chồng bắn khói thuốc lào, vợ vạch vú cho con bú trong tiếng cãi nhau ồn ào góc chợ. Con gái lấy chồng khác làng gặp mẹ đẻ giữa phiên chợ quê, dấm dúi gửi về biếu cha cút rượu, gửi em út tấm quà…

Chợ quê, một không gian sinh động của trần gian. Đốm lửa thiêng ấy là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ thi nhân Việt Nam, và họ đã để lại những câu thơ thực sự sáng giá trong nền thơ dân tộc. Chỉ xin lược mấy dòng. Bà Huyện Thanh Quan khi bước tới Đèo Ngang:

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà…

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ vương vấn với không gian cuối buổi chiều chợ Tết ở một làng quê xứ Bắc:

Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê

Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ…

Hoặc buồn như Nguyễn Bính trên bước đường giang hồ lưu lạc:

Ta đi nhưng biết về đâu chứ

Đã dấy phong yên lộng bốn trời

Thì cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà khóc thế nhân ơi!

Hoặc vui như Hoàng Cầm khi nhớ về làng quê, chợ quê Kinh Bắc bên kia sông Đuống trong những ngày thi nhân theo bước đoàn quân diệt Pháp:

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng…

 

4. Khi mà những món ăn dân dã, quê mùa được in nắn nót song ngữ Việt - Anh trong những tờ thực đơn của các nhà hàng sang trọng, thì cũng là lúc người ta nghĩ ra chiêu thức kinh doanh mới: mở chợ quê giữa lòng đô thị. Ở Hà Nội đã có một “chợ quê” như thế, nó nằm trên tầng thứ 11, tòa nhà OASIS số 19 Láng Hạ. Những cái đầu kinh doanh nhạy cảm đã biết cách khai thác chút tâm lý hoài cảm của những con dân thành phố vốn xuất thân từ những xứ đồng chua nước mặn. Những VIP comple, cà vạt chải chuốt đi tìm một chút phong vị quê nghèo từ thuở hàn vi giữa lòng Thủ đô, mặc dù quê hương họ không cách xa nơi này là mấy nhưng vì công chuyện làm ăn bận rộn nên khó về thăm…

Từ chuyện “chợ quê” mọc trên cao ốc giữa lòng đô thị, tôi chợt liên tưởng đến một ngày nào đó bên gốc đa làng tôi mọc lên một cái siêu thị mang tên Cora hay Plaza. Và lúc đó, không biết có còn không gian nào cho câu ca dao, tình tứ, quê mùa:

Chàng buông vạt áo em ra

Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa…

U.T.B

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT