ĐỌC BÁO NGÀY 16.11.2011

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 

NHỮNG HUY CHƯƠNG VÀNG BÙNG NỔ CẢM XÚC

Có quá nhiều cảm xúc từ nhiều vận động viên Việt Nam đoạt HCV trong ngày thi đấu thứ tư (15-11) tại SEA Games 26...

 ĐỌC BÁO NGÀY 16.11.2011 - 1

Sự trở lại đáng nể của Ngân Thương đã khiến Nefi (Indonesia, phải, HCĐ xà lệch) không giấu vẻ thán phục

Ngày 15-11 là một ngày đại phát của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 26, khi các VĐV đoạt thêm 18 HCV. Tuy nhiên, số lượng HCV không đáng nói bằng chất lượng và câu chuyện của nhiều VĐV đã đoạt HCV về cho đất nước.

1. Đôi hia bảy dặm của thể dục dụng cụ

Người đầu tiên phải nói đến là Ngân Thương, cô gái được giới báo chí đặt tên là “búp bê” bởi gương mặt mũm mĩm, xinh xắn. Hôm qua, “búp bê” lấy 2 HCV, một ở môn xà lệch và một ở cầu thăng bằng. Ngân Thương là một tài năng rất quen thuộc của thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam. Chuyện cô đoạt 2 HCV tại một kỳ SEA Games không quá bất ngờ nếu nhìn từ góc độ tài năng.

Nhưng điều đáng nể ở Ngân Thương là cứ tưởng sự nghiệp thể thao của cô đã chấm dứt sau vụ án doping vì thiếu hiểu biết ở Olympic 2008. Với một người bình thường khi phong độ đã bắt đầu bên kia sườn dốc, lại gặp thêm “tai nạn” vụ doping do uống thuốc cảm cúm lung tung, ắt có lẽ sẽ buông xuôi. Ấy vậy mà cô vẫn gượng dậy, cắn răng luyện tập để giờ đây hái được những quả ngọt cuối mùa.

Hôm qua cũng là ngày TDDC hoàn tất thi đấu. Những quả ngọt từ Ngân Thương, cộng với tài năng đang tỏa sáng của Hà Thanh, rồi đoạn kết đẹp của Trương Minh Sang... đã giúp môn này đặt chân lên cột mốc lịch sử: đoạt 11 HCV trong tổng số 14 HCV của TDDC. Vào hai kỳ SEA Games 2005 và 2007, khi ấy TDDC VN đã làm ngất ngây mọi người với con số 5 HCV, nay với kỷ lục mới càng thêm ngất ngây hạnh phúc.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại câu chuyện cách đây đúng 14 năm, cũng tại SEA Games ở Jakarta năm 1997. Ngày ấy, người đứng đầu môn TDDC VN là ông Nguyễn Hồng Minh bảo rằng chỉ mơ làm sao có được 1 HCV đã là quá hạnh phúc. Cũng nơi chốn ấy - Jakarta, 14 năm sau TDDC đã có đến 11 HCV. Đó là một bước tiến của “đôi hia bảy dặm”!

ĐỌC BÁO NGÀY 16.11.2011 - 2


ĐỌC BÁO NGÀY 16.11.2011 - 3


ĐỌC BÁO NGÀY 16.11.2011 - 4

 

 

 

 ĐỌC BÁO NGÀY 16.11.2011 - 5

Một số gương mặt tạo nên sự bùng nổ  - Ảnh: Nguyên Khôi

 

 ĐỌC BÁO NGÀY 16.11.2011 - 6

“Cô gái vàng” Trương Thanh Hằng trong vòng vây báo chí - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

2. Điền kinh “sóng lớp sau đè lớp trước”

Tương tự TDDC, hôm qua cảm xúc cũng lai láng khi theo dõi môn điền kinh. Ở đó, một Trương Thanh Hằng đã trở thành “cô gái vàng” đúng nghĩa khi lần thứ ba liên tiếp vô địch cự ly 800m. Ở đó có một Đào Xuân Cường đưa điền kinh VN lần đầu tiên lấy HCV môn chạy 400m rào. Ở đó có Dương Văn Thái lần đầu đoạt HCV 800m nam.

Điền kinh kỳ này đạt kỷ lục mới, khi lần đầu lấy được 9 HCV (năm 2003 và 2007 được ghi nhận là nhiều nhất với 8 HCV). Với những cái tên mới toanh như Đào Xuân Cường, Dương Văn Thái rồi trước đó là Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ), Trần Huệ Hoa (nhảy ba bước nữ) đã khiến điền kinh VN làm được điều cần thiết: sóng lớp sau đè lớp trước!

Ông Nguyễn Hồng Minh - người từng nhiều lần làm trưởng đoàn thể thao VN - đêm qua đã bảo rằng: “Hai chân tôi như đứng không vững bởi xúc động quá, tự hào quá với những chiếc HCV mang lại quá nhiều cảm xúc”. Ông Minh nói thêm: “Tôi nhờ bạn đăng giùm tôi lời nhắn này gửi đến một VĐV không đoạt HCV là Nguyễn Đình Cương ở nội dung chạy 800m nam: Cảm ơn Nguyễn Đình Cương”.

Ông Minh kể: “Sau vụ bị đối thủ chơi xấu ở Manila 2005, Cương báo với tôi là nghỉ thi đấu. Lúc ấy tôi chỉ khuyên rằng chơi thì mới khó, chứ nghỉ thì quá dễ. Cương đã nghĩ lại và bây giờ cậu ấy là một “quân xanh” cho Thanh Hằng trong tập luyện. Còn hôm qua, chính Cương đã đóng vai hút đối thủ để Dương Văn Thái bứt đi. Một sự hi sinh thầm lặng thật đáng nể phục”.

TRƯỜNG HUY

(Báo Tuổi trẻ, ngày 16.11.2011)

 

NHÀ VÔ ĐỊCH BẤT ĐẮC DĨ

VĐV 22 tuổi người Hà Nội Đào Xuân Cường đã xuất sắc giành chiến thắng ở nội dung 400m rào nam của SEA Games 26 với thành tích 51,45 giây. Đây là thành tích đặc biệt với điền kinh VN lẫn bản thân Xuân Cường.

 ĐỌC BÁO NGÀY 16.11.2011 - 7

Xuân Cường về đích 400m rào - Ảnh: N.K.

Xuân Cường sinh ra và lớn lên trong một gia đình sống bằng nghề nông tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Quãng thời gian phụ giúp mẹ chuyện đồng áng thuở nhỏ đã mang đến cho Xuân Cường sự nhanh nhẹn và sức khỏe tốt. Lớn một chút, anh tham gia các cuộc thi chạy phong trào và đạt nhiều thành tích.

Nhưng chúng tôi gọi Xuân Cường là nhà vô địch bất đắc dĩ bởi hai lẽ. Đầu tiên, khi mới được những nhà tuyển trạch của điền kinh Hà Nội chọn vào các tuyến năng khiếu thì cự ly sở trường của Xuân Cường là chạy 400m. Nhưng chạy mãi, thi đấu hoài chẳng thấy thành tích đâu. Chẳng đặng đừng, ban huấn luyện đã chuyển Xuân Cường sang nội dung 400m rào để tìm sự đổi mới, nếu không sự nghiệp của anh khó phát triển.

Không ngờ, Xuân Cường tỏ ra rất có năng khiếu với chạy vượt rào. Từ năng khiếu đã chuyển thành niềm đam mê lớn lao và Xuân Cường tập luyện siêng năng hơn. Nhưng số phận như thử thách sự kiên nhẫn của Xuân Cường vì nội dung 400m rào đã có Vũ Văn Tình quá xuất sắc. Thế nên Xuân Cường toàn về nhì tại các giải VĐQG hai năm gần nhất.

Điều thứ hai, SEA Games 26 là đấu trường quốc tế đầu tiên trong suốt sự nghiệp chín năm gắn bó với điền kinh của Xuân Cường. Dĩ nhiên, anh chỉ là nhân vật số 2 ở nội dung 400m rào sau Vũ Văn Tình. Nhưng trước ngày thi đấu, Vũ Văn Tình bất ngờ bị chấn thương nên Xuân Cường trở thành chủ lực. Và anh đã tạo nên điều bất ngờ. Đáng nói, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử điền kinh VN giành HCV nội dung 400m vượt rào.

Xuân Cường kể lại: “Đây là lần đầu tiên tôi dự một giải ở nước ngoài. Tôi hoàn toàn mù tịt thông tin các đối thủ nên nghe hiệu lệnh thì cứ cắm đầu mà chạy và nhảy rào. Tôi vẫn chưa thể tin mình đã trở thành nhà vô địch SEA Games ngay giải quốc tế đầu tiên”.

TẤN PHÚC

(Báo Tuổi trẻ, ngày 16.11.2011)

 

U-23 VN QUYẾT GIỮ NGÔI ĐẦU

Sau hai ngày khá thoải mái, đội tuyển U-23 VN đã tập luyện trở lại vào sáng 15-11 nhằm chuẩn bị trận đấu cuối cùng ở vòng bảng với U-23 Lào.

 ĐỌC BÁO NGÀY 16.11.2011 - 8

Các cầu thủ U-23 VN trong buổi tập ngày 15-11 - Ảnh: Sĩ Huyên

Mục tiêu của HLV Falko Goetz trong trận gặp U-23 Lào trên sân Lebak Bulus vào chiều 17-11 là giành chiến thắng để đảm bảo giữ ngôi đầu bảng B: “Do đây là trận đấu chúng tôi muốn giành chiến thắng nên các cầu thủ đều phải duy trì tối đa sự tập trung và phải rèn luyện hết mình. Tôi đang chờ đợi kết quả trận đấu sớm giữa U-23 Myanmar và Đông Timor để từ đó có thể đưa ra những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”. Nhận xét về hai đối thủ mà U-23 VN có thể gặp ở bán kết, ông Goetz nói: “Sau khi theo dõi trực tiếp các trận đấu ở bảng A, chúng tôi đã sẵn sàng gặp U-23 Indonesia hoặc Malaysia”.

Trước câu hỏi: Ông có đặt mục tiêu đoạt HCV hay không? HLV Falko Goetz trả lời: “Đoạt HCV là lý do chúng tôi luôn nỗ lực trong suốt thời gian qua. Nhưng trong bóng đá không thể khẳng định trước điều gì. Chúng tôi chỉ quyết tâm và đặt hi vọng những nỗ lực của mình sẽ đem lại thành tích cao nhất”

N.K.

(Báo Tuổi trẻ, ngày 16.11.2011)

 

U-23 MYANMAR TẠM DẪN ĐẦU BẢNG B

U-23 Myanmar đã đá bại U-23 Đông Timor 1-0 trên sân Lebak Bulus vào chiều 15-11 ở loạt đấu cuối cùng bảng B. Bàn thắng duy nhất được tiền đạo Mai Aih Naing thực hiện ở phút 34 bằng pha thoát xuống đối mặt với thủ môn Emerson Cesario (Đông Timor) và nhẹ nhàng dứt điểm vào góc gần.

Ngoài bàn thắng trên, Myanmar đã chơi áp đảo trong phần lớn thời gian thi đấu và tạo ra rất nhiều cơ hội ngon ăn nhưng các chân sút của họ không thể tận dụng được. Trái lại, Đông Timor dù hết hi vọng giành vé vào bán kết nhưng vẫn chơi rất quyết tâm với những tình huống phản công khá sắc sảo tận dụng tốc độ và sức mạnh của cặp tiền đạo Alan Leandro, Almeida.

Đáng lý Đông Timor đã có thể ghi bàn cân bằng tỉ số ở phút 37 nếu cú sút căng như búa bổ của tiền đạo Alan Leandro không tìm đúng xà ngang bật ngược trở ra. Nhưng dù sao chiến thắng này cũng xứng đáng cho Myanmar và họ tạm vươn lên đứng đầu bảng B với 13 điểm, hiệu số bàn thắng bại +11. VN đứng thứ hai được 10 điểm, hiệu số +12. Chỉ cần thắng Lào, VN sẽ giành lại ngôi đầu bảng.

Trận cầu mang tính thủ tục còn lại ở bảng B diễn ra cùng ngày giữa Philippines và Brunei khép lại với tỉ số 1-2 nghiêng về Brunei.

B.N.

(Báo Tuổi trẻ, ngày 16.11.2011)


BẢNG XẾP HẠNG HUY CHƯƠNG NGÀY 15.11.2011

 

STT

QUỐC GIA

VÀNG

BẠC

ĐỒNG

TỔNG CỘNG

1

Indonesia

76

60

60

196

2

Thái Lan

48

35

57

140

3

Việt Nam

44

46

52

142

4

Singapore

25

26

41

92

5

Malaysia

22

23

36

81

6

Philippines

14

21

27

62

7

Lào

4

3

19

26

8

Campuchia

2

7

10

19

9

Myanmar

0

9

15

24

10

Brunei

0

1

4

5

11

Đông Timor

0

0

1

1

(Báo Tuổi trẻ, ngày 16.11.2011)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT