“Thực trạng nhái thương hiệu và giải pháp bảo vệ thương hiệu Việt”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ban Biên tập Tạp Chí Du lịch TPHCM xin trân trọng đăng tải bài tham luận: “Thực trạng nhái thương hiệu và giải pháp bảo vệ thương hiệu Việt” của Bà Lê Thị Như Hà – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam, tại Hội thảo “Vai trò của Pháp luật trong bảo vệ thương hiệu Du lịch Việt”

Nền kinh tế thị trường với đa dạng các ngành, nghề và chủng loại hàng hóa, dịch vụ thì người tiêu sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn cho mình những sản phẩm, dịch vụ phù hợp và theo họ là tốt nhất. Song, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ phải chú trọng trong việc tạo dựng bản sắc riêng cho thương hiệu của mình.

“Thực trạng nhái thương hiệu và giải pháp bảo vệ thương hiệu Việt” - 1

Bà Lê Thị Như Hà – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng xây dựng được thương hiệu cho riêng mình vì nó đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về tư duy và chi phí. Do vậy, đã dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp ra đời sau chọn giải pháp “ăn theo” các thương hiệu có uy tín trước đó!

Trên thực tế, việc làm này không chỉ ảnh hưởng xấu đối với uy tín của thương hiệu bị xâm phạm, mà còn gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của khách hàng, làm cho khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng mà không hề hay biết.

Việc nhái thượng hiệu, ăn theo thương hiệu là thực tế đang diễn ra, không chỉ phổ biến trong các lĩnh vực sản xuất mà đã lan sang trong lĩnh vực du lịch. Theo số liệu thống kê được công bố tại Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp du lịch phục vụ công tác quản lý Nhà nước về du lịch tại khu vực phía Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại TPHCM vừa qua trong cả nước có gần 30.000 doanh nghiệp hoạt động du lịch, trong đó có 1.000 Công ty Lữ hành Quốc tế và 7.000 Công ty hoạt động lữ hành nội địa. Đó là con số thống kê trên các giấy phép hoạt động, nhưng con số doanh nghiệp hoạt động trên thực tế thì… không biết được!

Việc các doanh nghiệp ra đời sau nhái thương hiệu, nhái tên, tên miền, ăn theo thương hiệu của các Công ty Du lịch đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường không chỉ dừng lại ở sự nhầm lẫn mà cả một ý đồ xấu. Họ cho rằng, đó là cách làm “thông minh” vì không phải đầu tư thời gian nghiên cứu, không mất cho phí mà vẫn có được khách hàng khi lựa chọn công ty đi du lịch. Tuy nhiên, Pháp luật điều chỉnh ở lĩnh vực này còn nhiều kẻ hở, nên nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính đang rất lo lắng.

Công ty Cổ phần phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam, đến dự buổi Hội thảo hôm nay xin chia sẻ với quý vị Đại biểu một thực tế tại đơn vị và qua đó, sẽ có những kiến nghị, giải pháp nhằm bảo vệ thương hiệu Việt.

Công ty Du lịch Hòa Bình nguyên là doanh nghiệp Nhà nước đặc thù Đoàn thể trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Công ty được Tổng cục du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam bình chọn là 1 trong 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế hàng đầu suốt 13 năm liền từ 1999 đến năm 2011. Công ty được chuyển thành Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam theo Quyết đinh số 355/QĐ/ĐCT ngày 28/04/2012 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Du lịch Việt Nam. Với gần 25 năm kinh nghiệm, công ty đã tạo được uy tín trên thị trường du lịch trong nước, quốc tế và được khách hàng, đại lý, đối tác tín nhiệm và tin tưởng.

TÊN DOANH NGHIỆP: CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH HÒA BÌNH VIỆT NAM

TÊN NƯỚC NGOÀI : VIETNAM PEACETOUR JONT STOCK COMPANY

TÊN MIỀN : www.peacetour.com.vn

Địa chỉ : 60 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

Tại thời điểm công ty thực hiện việc Cổ phần hóa, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, thì người nhà của một nhân viên trong công ty thành lập Công ty Du lịch lấy tên là:

TÊN DOANH NGHIỆP: CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH HÒA BÌNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TÊN NƯỚC NGOÀI : HO CHI MINH PEACETOUR JONT STOCK COMPANY

TÊN MIỀN : www.peacetourhcm.com.vn

Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: 100 Nguyễn Văn Săng, Phường Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh mới thành lập và có hoạt động trong cùng lĩnh vực du lịch. Do đó, đã làm cho nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn đó là Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam. Bên canh đó, Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam như sau:

1. Sử dụng tên thương mại tương tự (chỉ khác địa danh) và sử dụng logo tương tự logo mà Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam đã sử dụng 23 năm qua (hình ảnh chủ đạo là bản đồ Việt Nam, quả địa cầu, chim Bồ câu và hình tròn…)

2. Sử dụng chương trình, hình ảnh của Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam để quảng bá cho các hoạt động du lịch do mình thực hiện.

3. Sử dụng các tên miền gây nhầm lẫn với tên miền của Công ty Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam (www.peacetourhcm.com.vn; www.hoabinhtourist.com.vn).

4. Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Thành phố Hồ Chí minh vừa được cấp giấy phép hoạt động từ tháng 11/2011, chưa được cấp giấy phép lữ hành quốc tế, nhưng trên trang web lại đưa những thông tin giới thiệu là “một trong mười hãng lữ hành hàng đầu Việt Nam, với thương hiêu và tính chuyên nghiệp đã được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm” và giới thiệu cung cấp dịch vụ du lịch nước ngoài là hình thức gian lận thương mại, cố tình đưa thông tin sai để quảng cáo công ty mình, lừa dối khách hàng.

Việc sử dụng tên gọi , tên miền, logo gần giống cũng như chương trình tour, mẫu hợp đồng với Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam đã gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng của công ty khi Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Thành phố Hồ Chí Minh đến chào tour, thì họ đều nghĩ rằng là đang được Hòa Bình Việt Nam có trụ sở tại 60 Võ Văn Tần phục vụ. Một số khách hàng sau khi đi tour với Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Thành phố Hồ Chính Minh, không đạt chất lượng đã phán ánh lại với công ty. Khi công ty kiểm tra và giải thích cho khách hàng là không phải tour do Hòa Bình Việt Nam tổ chức, thì khách hàng mới vỡ lẽ ra là mình đã nhầm lẫn khi lựa chọn dịch vụ. Thậm chí, có trường hợp khách hàng ký hợp đồng đi du lịch nước ngoài thì Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức, trong khi chưa có giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế. Khi ký hợp đồng, một số khách hàng có ý kiến thắc mắc tại sao địa chỉ của công ty lại ở Quận Tân Phú chứ không phải ở số 60 Võ Văn Tần, Quận 3, thì nói rằng Công ty Cổ Phần Du lịch Hòa Bình Thành phố Hồ Chí Minh là Chi nhánh của Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam.

Trong các loại hàng nhái, hàng giả thì nhái - giả thương hiệu là nghiêm trọng nhất vì liên quan đến toàn bộ sản phẩm, dịch vụ, uy tín của thương hiệu đó. Kiểu nhái ăn theo các thương hiệu lớn: bê nguyên si, toàn bộ đã không được áp dụng, đã lạc hậu mà hiện nay là bê nguyên si thương hiệu, chỉ khác đi một từ, loại hình doanh nghiệp, một địa danh. Tuy nhiên, theo luật về đăng ký doanh nghiệp thì lại cho phép. Đây là kẽ hở Pháp luật bị lợi dụng để lừa dối người tiêu dung. Vô tình Nhà nước tiếp tay cho hàng nhái- hàng giả!

Theo Luật Doanh nghiệp, Nghị định 143/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp có quy định những trường hợp được cho là “tên trùng và tên gây nhầm”. Chỉ được xem là tên trùng, tên gây nhầm lẫn khi: có tên gọi và được đọc và viết hoàn toàn giống nhau hoặc chỉ khác nhau ký hiệu “&”; chữ “và”; hoặc chỉ khác nhau một số số tự nhiên, số thứ tự hoặc một hoặc một số chữ cái tiếng Việt (A,B,C…) ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó; “tân” ngay trước, hoặc “mới” ngay sau tên doanh nghiệp; tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi các từ, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”.

Với những quy định của Pháp luật về đăng ký doanh nghiệp như vậy, thì chỉ cần lách một từ khác đi (miễn không phải là các từ quy định trên) thì là được phép.

* Trường hợp : Công ty Cổ phân Du lịch Hòa Bình Việt Nam,

Với Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Thành phố Hồ Chí Minh.

* Trường hợp : Công TNHH Dã ngoại Lửa Việt

Với : Công ty TNHH Thương Mại và Du lịch Lửa Việt

Với : Công ty Cổ phần Thương Mại và Du lịch Lửa Việt.

Với : Công ty Cổ phần Dã Ngoại Lửa Việt.

Điều doanh nghiệp cần bảo hộ là “tên riêng” của mình như “Hòa Bình”, “Lửa Việt” chứ không phải cả một cái tên đầy đủ. Nhưng theo quy định của Pháp luật thì phải đầy đủ, đúng cả tên gọi thì mới được bảo hộ. Còn trường hợp khác đi một từ, khác đi loại hình doanh nghiệp, khác đi địa danh thì doanh nghiệp khác có quyền sử dụng tên riêng của người khác ghép vào để đặt cho mình một cái tên gần giống và được quyền nhái thương hiệu các công ty ra đời trước.

Công ty Cổ Phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam được thành lập và hoạt động gần 25 năm, việc tạo dựng được một thương hiệu như ngày nay là mồ hôi, nước mắt, công sức đóng góp của một tập thể. Nhưng hôm nay, công ty lại bị một công ty mới ra đời lợi dụng những kẽ hở của Pháp luật và có ý đồ xấu trong cạnh tranh không lành mạnh, đã lấy thương hiệu của mình kinh doanh đã gây bức xúc, phẫn nộ cho tập thể cán bộ, công nhân viên công ty. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách du lịch; uy tín thương hiệu của Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam, ngăn chặn tình trạng lừa đảo, lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động lữ hành, kính mong các cơ quan quản lý Nhà nước có những biện pháp bảo vệ những công ty làm ăn chân chính.

— Kiến nghị:

1. Sửa đổi lại Luật Doanh nghiệp và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp theo hướng bảo hộ “tên riêng” của doanh nghiệp. Những trường hợp được xem là trùng tên, gây nhầm lẫn phải mở rộng thêm bao gồm cả khác đi một từ, khác đi loại hình doanh nghiệp, khác đi địa danh.

Trường hợp khác địa danh: nếu giống tên mà đăng ký khác địa danh, thì chỉ có công ty con của công ty đã đăng ký mới được phép.

Nếu không bảo hộ “tên riêng” cho doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề, thì ít nhất cũng phải có quy định bảo hộ trong cùng một ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.

2. Hiện nay, việc Luật quy định: đăng ký doanh nghiệp hoạt động lữ hành không bắt buộc người đại diện Pháp luật của doanh nghiệp phải có bằng cấp, kinh nghiệm trong lĩnh vực lữ hành, nên dẫn đến việc thành lập tràn lan các công ty du lịch nhỏ, không có năng lực về vốn, về chuyên môn. Vì vậy, để tăng năng lực cho các doanh nghiệp hoạt động lữ hành đồng thời giúp Nhà nước quản lý tốt vấn đề này, thì nên xem đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải thẩm định đạt tiêu chuẩn mới cấp phép hoạt động.

3. Nếu Sở Kế hoạch Đầu tư đã cấp phép vì cho rằng tên gọi không nhầm lẫn, thì Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch về mặt quản lý ngành, nghề phát hiện những công ty này có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm Pháp luật thì không cấp phép lữ hành quốc tế, hoặc đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư thu hồi giấy phép trong lĩnh vực hoạt động du lịch.

4. Nghị định 16/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực hoạt động du lịch : trong đó có quy định nhiều hành vi vi phạm và có hình thức xử phạt. Tuy nhiên, Nghị định Cũng chưa quy định những trường hợp vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, thì có thể tịch thu Thẻ Hướng dẫn như trường hợp đang là nhân viên của một công ty du lịch, nhưng cố tình móc khách ra bên ngoài; chân trong chân ngoài để trục lợi cho cá nhân, xâm phạm đến lợi ích của doanh nghiệp.

Trên đây là một số ý kiến của Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam tham gia tại buổi Hội thảo “Vai trò của Pháp luật trong bảo vệ thương hiệu Du lịch Việt”. Cám ơn, quý vị đại biểu đã lắng nghe phần tham luận của chúng tôi. Kính chúc các đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong công việc. Chúc buổi Hội thảo thành công tốt đẹp!

“Thực trạng nhái thương hiệu và giải pháp bảo vệ thương hiệu Việt” - 2
Ông Vũ Thái Bình – Nguyên Tổng Cục Phó Tổng Cục Du lịch, Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam

“Thực trạng nhái thương hiệu và giải pháp bảo vệ thương hiệu Việt” - 3
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc Hội đang phát biểu


“Thực trạng nhái thương hiệu và giải pháp bảo vệ thương hiệu Việt” - 4
Bà Nguyễn Thị Khánh – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM

LTNH

Ảnh: Vũ Đức Thông

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT