Đến Huế để 'chữa lành'

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thừa Thiên Huế sẽ là một điểm đến mà ở đó có thể chữa lành những vết thương, chăm sóc sức khỏe và đem lại một tinh thần thoải mái cho du khách.

Tháng 4/2022, Ngô Thanh Thúy (23 tuổi), quê Bắc Ninh, một freelance lần đầu tiên đến Huế. Dù chỉ đi có một mình nhưng Thúy vẫn quyết tâm đi để khám phá, để xem Huế có buồn như mọi người vẫn nói. Và rồi, mọi thứ từ cảnh quan bình yên, không khí trong lành khiến cô mê mẩn vùng đất này. Sau chuyến đi 4 ngày, Thúy quyết định quay trở lại và ở Huế gần hai tháng để làm việc. 

“Chỉ cần đặt chân đến Huế, đi trên những con đường đầy cây xanh, hay ngồi ngắm dòng Hương cũng đủ cho tâm hồn được bình an. Không khí trong lành nhờ hệ thống cây xanh, đầm phá sẽ là những nơi rất tuyệt vời để người ta có thể thả mình đắm chìm trong sự thanh tịnh, yên bình bằng các buổi yoga, thiền định cho tâm hồn được thảnh thơi sau chuỗi ngày làm việc đầy áp lực, mệt mỏi”, Thúy chia sẻ.

Đến Huế để 'chữa lành' - 1Nếu đến Huế và dạo bước dọc hai bên bờ sông Hương vào buổi sáng sớm hay khi hoàng hôn, bạn có thể thấy nhiều người tập yoga, ngồi thiền trên khoang thuyền trôi lững lờ giữa dòng sông. Sông Hương có dòng chảy nhẹ nhàng. Hai bên bờ từ thượng nguồn về đến hạ du là đền đài, lăng tẩm, cung điện, nhà cổ và những cánh đồng bát ngát. Khung cảnh đó làm cho những ai từng ngồi thuyền đi dọc sông Hương cũng phải ngẩn ngơ, mê mẩn. 

Huế có vẻ đẹp của tự nhiên với núi, sông, đầm phá và biển. Đi cùng với đó là bề dày về văn hóa. Những va đập tạo nên một xứ Huế mang đầy bản sắc, nhưng vẫn luôn giữ được nét riêng vốn có. Vùng đất này có nền y học cổ truyền lâu đời, nhiều lương y, lương dược danh tiếng phục vụ cung đình với đỉnh cao là Thái y viện triều Nguyễn. Tây y ở Huế cũng được đánh giá không thua kém với hệ thống các bệnh viện có hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.

Ngoài ra, Huế còn có nhiều hệ thống khu nghỉ dưỡng, khách sạn được xây dựng trong những không gian yên bình, dễ dàng hòa mình với thiên nhiên và thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel - chi nhánh Huế, cho rằng Thừa Thiên Huế chủ yếu vẫn dựa vào các sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng văn hóa di sản, còn các thị trường ngách khác vẫn chưa được khai thác nhiều mặc dù có sẵn tài nguyên thích hợp và lý tưởng.

“Nếu Huế phát triển được loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe sẽ góp phần định hình lại thị trường du lịch trong bối cảnh mới, sau đại dịch. Không chỉ dừng lại đó, loại hình này còn tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách hàng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ chuyên môn, nâng tầm chuyên môn hóa và công nghiệp của ngành dịch vụ”, ông Khánh chia sẻ. 

Đến Huế để 'chữa lành' - 2

Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Tổng Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Huế, cũng cho rằng, Huế có nhiều lợi thế để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe nhưng vẫn chưa phát huy hết. Cũng theo bà Vy, việc phát triển loại hình du lịch kết hợp chữa bệnh rất cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó cần chủ động phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng phù hợp để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, du lịch chăm sóc sức khỏe không còn là loại hình du lịch mới trên thế giới nhưng cho đến hiện tại các hoạt động du lịch chăm sóc sức khỏe đang ngày càng mở rộng và đa dạng hơn trở thành xu hướng chung của du lịch toàn cầu. Những điểm đến có khí hậu lý tưởng, môi trường trong lành, hội tụ cùng các giá trị tài nguyên sẽ mang đến cho du khách những sự trải nghiệm sâu sắc về sức khỏe thể chất, cảm xúc tinh thần và trí tuệ.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho rằng, tỉnh có nhiều lợi thế từ cảnh quan, môi trường, thắng cảnh cùng với đó là các di sản, các bài thuốc Đông - Tây y nên rất đủ điều kiện để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. 

Để những tour về sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe được bài bản, mang lại sự tươi mới, thích thú cho du khách, những người làm du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang có ý định kết hợp chữa bệnh giữa Đông - Tây y và khôi phục lại một số hoạt động của Thái Y Viện ở Hoàng Cung. Sở Du lịch địa phương này đưa ra ý tưởng rằng, khi khách đến Huế du lịch theo hình thức chăm sóc sức khỏe, họ có thể cư trú trong các resort, lúc đó đội ngũ những người có chuyên môn về y tế sẽ đến tư vấn, chăm sóc sức khỏe tận nơi. Ngoài ra, du khách cũng có thể đến Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Quốc tế Huế - những trung tâm y tế hàng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các trung tâm y tế này để thực hiện một cách tốt nhất”, ông Phúc thông tin rồi nói thêm: “Chúng tôi tham khảo nhiều kênh, nhiều ý tưởng thì thấy đây là một hướng đi đúng. Bên cạnh các danh lam, thắng cảnh, các hệ thống bệnh viện lớn, ở đây còn có các suối nước khoáng nóng, đây là điều kiện để hiện thực hóa loại hình du lịch mới mẻ này”.

Đến Huế để 'chữa lành' - 3Cũng theo ông Phúc, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe không chỉ gói gọn trong việc khám chữa bệnh, yoga… mà các sự kiện thể thao, chạy bộ cũng là một hoạt động bổ ích trong tour du lịch này. 

“Bây giờ xu hướng người ta tham gia vào các giải chạy bộ, đạp xe để tăng cường đề kháng, duy trì sức khỏe ngày càng nhiều. Huế có hạ tầng dành riêng cho xe đạp ở hai bên bờ sông Hương. Các giải marathon diễn ra ở Huế, ngoài các cự ly cho khối chuyên nghiệp tranh huy chương thì vẫn còn có những cự ly ngắn để người dân tham gia vừa chạy vừa duy trì thể lực”, ông Phúc chia sẻ.

Người đứng đầu ngành Du lịch Thừa Thiên Huế cũng bày tỏ tham vọng, trong tương lai, Huế sẽ là địa điểm đầu tiên mà du khách nghĩ tới khi muốn đi du lịch để chữa lành. 

Nhâm nhi Tết Bắc
Nhâm nhi Tết Bắc

Món ngon nhất, đơn giản nhất mà tròn vị nhất - nhà nào cũng nhâm nhi trong mấy ngày Tết là món KÝ ỨC. Và hay nhất, cái...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Đắc Thành, Ảnh: Lê Đình Hoàng

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!